- Sỹ quan không có thu nhập ngoài lương. Không có kế hoạch chi li thì sỹ quan trẻ chẳng để dư ra được đồng nào dành lo cho tương lai bản thân và hỗ trợ gia đình.
Gác niềm hạnh phúc riêng, sỹ quan trẻ yên tâm làm nhiệm vụ ở đơn vị, lo Tết cho bộ đội. Ảnh: Đức Hanh |
Dưới góc độ phân công lao động xã hội, cán bộ công tác lâu dài trong quân đội được coi là lấy "binh" làm "nghiệp". Đây là một cách nhìn nhận xứng đáng, phần nào động viên đội ngũ sỹ quan trẻ tiếp bước cha anh xây dựng quân đội. Tuy vậy, có mấy ai hiểu hết mức thu nhập thực tế của sỹ quan trẻ hiện nay.
Sỹ quan trẻ là là "niềm mơ ước" của nhiều cô gái. Đã xác định lấy "binh" làm "nghiệp", mà ở đây là "nghiệp" rất cao cả, thiêng liêng, đó là làm nhiệm vụ ở lĩnh vực lao động đặc thù, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ, hy sinh nhất, vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm vẻ vang của sỹ quan trẻ.
Sau khi tốt nghiệp ở các nhà trường, hầu hết sỹ quan trẻ nhận công tác tại các đơn vị cơ sở, hầu như 24/24 giờ hàng ngày đều làm nhiệm vụ ở đơn vị, xa gia đình. Điều này như là một sự phân công lao động tất yếu, hết sức bình thường, bởi ai đó là sỹ quan trẻ nếu được về nhà thường xuyên, được mọi người gọi “bộ đội xóm”.
Thấm nhuần nhiệm vụ cao cả, sỹ quan trẻ ít khi so đo tính toán thiệt hơn hoặc đòi hỏi chế độ. Tuy nhiên hiện tại, thu nhập thực tế của sỹ quan trẻ rất thấp. Nếu chưa đủ thâm niên 5 năm tuổi quân (mỗi thâm niên thêm 1% lương cơ bản) thì lương cơ bản của thiếu úy là 3.486.000đ (hệ số 4,2 x 830.000đ); cộng thêm 10% phụ cấp công vụ, trừ tiền ăn, bảo hiểm xã hội và y tế… thì tiền lương thiếu úy còn nhận khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng, chưa tính mọi khoản sinh hoạt phí tối thiểu cần thiết ở đơn vị như xăng xe, điện thoại...
Trung úy hệ số cơ bản 4,6. Thượng úy 5,0. Nếu chỉ nhìn vào hệ số thì đó là mức hệ số lương khá cao. Tuy nhiên sỹ quan không có thu nhập ngoài lương, điều kiện công tác khiến thu nhập thực tế rất thấp. Không có kế hoạch chi li thì sỹ quan trẻ chẳng để dư ra được đồng nào dành lo cho tương lai bản thân và hỗ trợ gia đình.
Đa số các sỹ quan trẻ cưới vợ, xây nhà thì phải dựa vào sự hỗ trợ từ gia đình. Nhiều người phải thuê nhà ở. Còn nếu phải lo cho người thân, gia đình khi có công việc đột xuất như ốm đau, làm nhà, mua sắm phương tiện, việc hiếu, việc cưới thì đành vay mượn.
Số liệu của Bộ Công thương công bố, ở 17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2011 thuộc Bộ quản lý thì thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động thấp như ở tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng 3,9 triệu đồng. Nhiều đơn vị có mức thu nhập cao như tập đoàn Dầu khí 16,2 triệu; Điện lực 8,6 triệu; công ty giấy, công ty nhựa: 4,2 đến 4,8 triệu. Bên cạnh đó còn các khoản tiền thưởng Tết to, nhỏ của người lao động một số ngành kinh tế. Sỹ quan ở đơn vị cơ sở nếu có quà Tết thì hầu như chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần.
Đấy là chưa kể đến tính chất lao động đặc thù, đa số sỹ quan trẻ ở đơn vị cơ sở xa gia đình, không có ngày giờ nghỉ để chăm sóc, phụ giúp gia đình, thiệt thòi nhiều mặt. Nhìn vào số liệu thống kê ấy, sỹ quan trẻ không khỏi chạnh lòng.
Cán bộ trong quân đội lâu nay đã được xã hội quan tâm nhưng trước thực trạng khó khăn ấy, để tạo động lực cho sỹ quan trẻ yên tâm gắn bó với nhiệm vụ, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội, làm sao để sỹ quan trẻ sống bằng lương, cống hiến hết mình phục vụ quân đội, phục vụ đất nước.
Đức Hanh
Kết quả khảo sát lần trước: