Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau thời gian điều tra và xác minh, ngày 6/6 Đội QLTT số 9 đã phối với Đồn Công an Tân Thanh, tiến hành kiểm tra đột xuất 1 cơ sở kinh doanh đồ điện gia dụng tại số A4 Trung tâm thương mại Việt Trung, Tân Thanh do bà Trịnh Thị Huyền là chủ hộ kinh doanh trú tại xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

{keywords}
 Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn tiến hành kiểm tra và thu giữ toàn bộ số chảo điện đa năng có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh: Đội QLTT số 9)

Thời điểm kiểm tra tại hộ kinh doanh trên, Đoàn kiểm tra phát hiện đang bày bán 15 chiếc chảo điện đa năng trên bao bì sản phẩm ghi bằng chữ Việt Nam, nhãn hiệu Kyoto, Model: ĐQ-6688, đường kính 30cm, công suất 1300W và gắn nhãn mác “Made in Viet Nam”. Sản phẩm của Công ty cổ phần truyền thông Điện Quang có địa chỉ: số K2 Kp1 phường Bửu Long, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên sau khi tiến hành kiểm tra kỹ lực lượng chức năng nhận thấy vỏ hộp được làm bằng bìa cát tông có in chữ Việt Nam, nhiều lỗi sai chính tả: chữ Bật thành chữ BẬN, chữ Suốt thành chữ Suõt, chữ sát thành chữ sat, chữ Chịu thành chữ Chiu.

Làm việc với lực lượng chức năng cơ sở kinh doanh nói trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Đội Quản lý thị trường số 9 đã ra Quyết định tạm giữ số 00034628/QĐ-TGTV ngày 06/6/2019 tạm giữ toàn bộ hàng hóa nói trên để xác minh các tình tiết có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Để kịp thời ngăn chặn những hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm trên địa bàn, trong thời gian tới Đội Quản lý thị trường số 9 tiếp tục phối hợp với các ngành chức tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình thị trường, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Liên quan tới việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa Trung Quốc nhưng gắn mác "Made in Viet Nam", trước đó vài ngày, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng phát hiện một chiếc xe ô tô vận chuyển lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ gắn nhãn “Made in Viet Nam”, gồm: 130 đôi giầy thể thao nam người lớn nhãn hiệu Adidas, trên sản phẩm có in chữ “Made in VietNam”; 20 đôi giầy thể thao nam người lớn nhãn hiệu Nike, trên sản phẩm có in chữ “Made in Viet Nam”. Toàn bộ số hàng hóa trên được lực lượng chức năng thu giữ để tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo đúng pháp luật.

Liên quan tới tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc nhưng lại gắn nhãn mác, xuất xứ Việt Nam như hàng nông sản, nước mắm, da giày, may mặc... Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài và các đối tượng đặt hàng hóa giả mạo về thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài; dán tem tại nước ngoài sau đó thông qua các hình thức khác nhau để thẩm lậu vào trong nước. Các hành vi, hiện tượng này đã gây ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi của người tiêu dùng và nguy cơ một số hàng hóa Việt Nam có thương hiệu có thể bị nước ngoài xem xét khi nhập khẩu vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như nền kinh tế nước ta.

Về nguyên nhân của hiện tượng trên, theo đại diện Chính phủ, do hàng hóa Việt Nam ngày càng được nâng cao chất lượng, đạt được sự tin dùng của các thị trường. Một số đối tượng lợi dụng việc này để sản xuất hàng hóa, lấy nhãn mác của Việt Nam để xuất bán những hàng hóa kém chất lượng.

Để ngăn chặn việc này, thời gian tới cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu biên giới, không để hàng hóa nước ngoài gắn mác Việt Nam thẩm lậu; tăng cường kiểm tra kho, bến bãi, điểm kinh doanh, xử lý nghiêm hành vi nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Theo Báo VOV

(Theo Viet Q)