Hơn 8 tấn thức ăn chăn nuôi (TACN) có mẫu dương tính với chất cấm (tạo nạc, nở mông, bung đùi) đang bị cơ quan chức năng niêm phong chờ xử lý. Nguy hại hơn, chất này có thể gây ung thư với người dùng thịt bị nhiễm. “Bóng ma” chất cấm có dấu hiệu trở lại sau một thời gian im ắng.

“Bóng ma” trở lại

Mới đây, qua thanh tra, lấy mẫu phân tích, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã phát hiện, loại thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt đang tiêu thụ trên địa bàn tỉnh này của Cty TNHH liên kết đầu tư LIVABIN (gọi tắt là Cty LIVABIN, ở xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) dương tính với chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc, nở mông, bung đùi).

Theo kết quả phân tích, mẫu thức ăn được lấy (mã số P104) của Cty trên sản xuất ngày 31/5/2014 (số lô 024106, khối lượng 8 tấn) đang bán tại Cty CP Thương mại Sao Khuê (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) dương tính với Salbutamol, hàm lượng 1,43 mg/kg.

Tiếp đó, cơ quan chức năng Thanh Hóa phát hiện trên lô thức ăn chăn nuôi (số 134106) của Cty LIVABIN sản xuất ngày 7/6/2014, từ lô hàng 100 kg tại một hộ kinh doanh (xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành) cũng “dính” chất cấm, hàm lượng 1,44mg/kg. Đoàn thanh tra nông nghiệp của tỉnh này, phối hợp với huyện đã lập biên bản, niêm phong lô hàng tại hộ kinh doanh nói trên. Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng đề nghị chính quyền huyện, xã giám sát, lô hàng này, không để tẩu tán.

{keywords}

Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã yêu cầu Cty CP Thương mại Sao Khuê thu hồi toàn bộ lô hàng (mã số P104) của Cty LIVABIN tại các điểm mà Cty này phân phối, đưa về kho. Đơn vị này phải lập danh sách, những cửa hàng, cá nhân đã mua lô hàng nói trên, số lượng thu hồi được gửi về Sở NN&PTNT Thanh Hóa để xử lý.

Trao đổi với PV, ông Phan Quốc Thiều, GĐ Cty LIVABIN cho biết, nhà máy của ông sản xuất từ năm 2007, và đây là lần đầu tiên phát hiện có chất cấm. “Sau khi có thông tin, chúng tôi đã hợp tác với cơ quan chức năng Thanh Hóa để xử lý. Cty cũng đề nghị cơ sở bán hàng ở Thanh Hóa bảo quản, niêm phong hàng. Việc dùng chất cấm không phải do chủ ý. Tôi cũng cho rà soát lại các quy trình sản xuất tại nhà máy, đồng thời cũng lấy mẫu gửi phân tích để kiểm chứng, dự kiến sẽ có kết quả trong chục ngày tới”- ông Thiều nói.

Chiều 1/8, ông Nguyễn Viết Thái, Phó GĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, sau khi có thông tin nói trên, Cty LIVABIN đã đề nghị phân tích lại mẫu đã lấy ở một phòng kiểm nghiệm khác để đối chứng kết quả.

“Đánh” chất cấm tại 6 địa phương

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chất cấm trong chăn nuôi rộ lên từ năm 2012. Thời điểm đó, thông tin chất cấm đã làm thiệt hại cho ngành chăn nuôi hàng nghìn tỷ đồng. Các chất này chủ yếu thuộc nhóm Beta agonist, người nuôi thường trộn vào cám nhằm vỗ béo, tăng tỷ lệ nạc cho vật nuôi. Còn các đơn vị bán cám thường quảng cáo tới bà con chăn nuôi với nhiều mỹ từ, là giúp lợn “bung đùi” “nở mông”… Sau đó, các cơ quan chức năng “làm căng”, nên tình trạng sử dụng chất cấm “lắng xuống”.

Theo ông Dương, vừa rồi Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu xử nghiêm các đối tượng sử dụng chất cấm. Cục đã chỉ đạo theo ngành xuống 63 tỉnh, thành tăng cường giám sát chất lượng TACN, đặc biệt là chất cấm. “Đây là thời điểm có nhiều nguy cơ về chất cấm, vì hiện giá thịt lợn đang cao, người nuôi có thể sử dụng chất cấm để vỗ béo”- ông Dương nói.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết đã chọn 6 địa phương trọng điểm để chỉ đạo “quét” chất cấm là: Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Đồng Nai, TP HCM và Vĩnh Long. Đây là những địa phương có nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi, trong đó có nhiều nhà máy loại nhỏ lẻ là càng có nguy cơ sử dụng chất cấm cao.

Theo ông Dương, với những nhà máy TACN công suất cỡ khoảng 300 nghìn tấn/năm trở lên, đầu tư có thể mất hàng trăm tỷ đồng, nên họ không thể mạo hiểm với chất cấm. Nếu “dính”, gần như họ trắng tay, không gượng dậy nổi.

“Chúng tôi sẽ tập trung vào các nhà máy TACN có nguy cơ cao là loại công suất 15 nghìn tấn/năm trở xuống”- ông Dương nói. Liên quan đến lô hàng dương tính với Salbutamol ở Thanh Hóa, ông Dương đã yêu cầu niêm phong.

Salbutamol là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thuộc nhóm beta agonist, thường sử dụng để kích thích tăng trọng, “bung đùi”, “nở mông” tăng tỷ lệ nạc, thịt màu sắc đỏ hơn...

Người tiêu dùng thịt lợn nuôi bằng loại chất tăng trọng sẽ có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc cao. Người bị ngộ độc Salbutamol thường bị nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, trụy mạch, gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, gây biến chứng ung thư.

(Theo Tiền phong)