Ông Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (FAO) từng cảnh báo: “Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, với con số "khổng lồ" 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm và lượng nhựa tiêu thụ này còn tăng”. 

anh bai 9.jpg
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa.

Một thống kê cho hay, tại Việt Nam, có đến 13.000 tấn rác thải nhựa trôi nổi được thu gom hàng năm tại các kênh chính của đô thị. Ước tính riêng Việt Nam, lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). 

Viện Môi trường và Kinh tế tuần hoàn Miền Nam cung cấp thêm thông tin: Tại các bãi rác ở một số đô thị lớn (Hà Nội, Huế, Hồ Chí Minh và Bắc Ninh), tỷ lệ rác thải nhựa dao động từ 12% đến 16%, đứng thứ 2 sau rác thải hữu cơ.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, mỗi ngày thải ra hơn 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt thì đã có đến 1.800 tấn là chất thải nhựa, chủ yếu là các loại nhựa và nilon. Tuy nhiên trong đó chỉ có 200 tấn được được tái chế và chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế. Hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.

Tại Bình Dương, tổng khối lượng chất thải sau phân loại được thu gom, vận chuyển, xử lý trong giai đoạn thực hiện thí điểm là 10.749,96 tấn, trong đó nhóm chất thải hữu cơ là 8.189,05 tấn (tương đương với 1.020 chuyến xe) và nhóm chất thải còn lại là 2.560,91 tấn (tương đương 319 chuyến xe). Năm 2019, toàn tỉnh Bình Dương phát sinh khoảng 2.661 tấn rác thải mỗi ngày, cao hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu. Hiện nay, khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương có khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt trên 2.500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp với công suất xử lý trên 1.000 tấn/ngày và sản xuất các sản phẩm tái chế từ chất thải.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu,  mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh 1.320 tấn chất thải rắn. Số rác này được thu gom và chôn lấp hợp vệ sinh trong khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Trong đó, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại TP. Vũng Tàu cao nhất, đạt 95%; khu vực TP. Bà Rịa tỷ lệ thu gom đạt 90%; tiếp đến là huyện Tân Thành đạt 90%... Còn lại các huyện khác tỷ lệ thu gom chỉ đạt từ 35-75%. 

Riêng huyện Côn Đảo, suốt một thời gian dài, lượng rác thải phát sinh hàng ngày vẫn chỉ sử dụng hình thức chôn lấp không hợp vệ sinh tại khu vực Bến Đầm, một phần được đốt bằng lò đốt rác thô sơ thông thường. Hàng năm, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tăng từ 5-10%. Trong khi đó, mỗi ngày lò đốt tại huyện hoạt động hết công suất cũng chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác, số còn lại chất đống tại Bãi Nhát.

“Chất thải nhựa là một loại chất thải công nghiệp điển hình và việc thải bỏ chúng vào các bãi chôn lấp tạo ra những mối lo ngại nghiêm trọng về môi trường”, Viện Môi trường và Kinh tế tuần hoàn Miền Nam lưu ý.

Cũng theo Viện Môi trường và Kinh tế tuần hoàn Miền Nam, rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi ngày đang bị coi là rác, là thứ bỏ đi, nhưng nếu nhìn nhận về mặt kinh tế, rác thải nhựa chính là tiền nếu có ngành công nghiệp tái chế rác thải nhựa đạt chuẩn,

Với công suất xử lý khoảng 300 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, mỗi tháng, nhà máy xử lý rác thải sẽ thu về hơn 450 tấn hạt nhựa. Giá hạt nhựa khoảng 10 triệu đồng/tấn. Có thể thấy, rác thải nhựa đem lại một số tiền không nhỏ. 

Tái chế chất thải nhựa mang lại nhiều lợi ích to lớn. Tác động đầu tiên là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất… Việc tái chế sẽ giúp chuyển hướng khối lượng lớn chất thải ra khỏi các bãi thải, bãi chôn lấp và đường bờ biển của nước ta. Đồng thời, các giải pháp tái chế phi tập trung gần với các nguồn phát sinh chất thải có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bằng cách quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên có giá trị”, Viện Môi trường và Kinh tế tuần hoàn Miền Nam nhấn mạnh.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV