Theo CNN, Ủy ban châu Âu đang đề xuất cấm khoảng 10 mặt hàng nhựa sử dụng một lần, chiếm khoảng 70% rác thải ở các vùng biển và bãi biển của Liên minh châu Âu, bao gồm dao dĩa, ống hút, que ngoáy tai, đĩa, vài loại cốc cà phê và quê khuấy...
Cũng theo báo cáo của CNN, đó là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm xóa bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần gây ô nhiễm ra khỏi nền kinh tế châu Âu.
Không chỉ nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, kế hoạch này cũng nhắm thẳng tới các nhà sản xuất nhựa - họ phải chịu chi phí quản lý và xử lý chất thải. Các nước châu Âu đang hướng tới việc thu thập 90% các loại chai lọ, đồ dùng nhựa dùng một lần vào năm 2025 thông qua tái chế.
Theo ước tính, nếu thực hiện đầy đủ kế hoạch này vào năm 2030, có thể tiêu tốn tới 3,5 tỷ USD chi phí mỗi năm. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được khoảng 7,6 tỷ USD/năm, tạo ra 30.000 việc làm và giảm 25,6 tỷ USD thiệt hại về xử lý ô nhiễm môi trường.
CNN lưu ý rằng, tỷ lệ tái sử dụng nhựa đang thấp hơn nhiều so với các sản phẩm khác: Trong khi chỉ có 14% tổng lượng nhựa trên thế giới được thu gom để tái chế, tỷ lệ này ở sản phẩm làm từ giấy là 58%, sắt thép khoảng 90%. Ngoài ra, có một khu vực được gọi là "Đảo rác Thái Bình Dương" (Great Pacific Garbage Patch) - nơi rác thải nhựa trên toàn thế giới "tập kết" về đó qua đường biển, tích tụ ít nhất 87.000 tấn chất thải có thể hủy diệt hệ sinh thái biển.
Khoảng 2 năm trước, Pháp đã đưa ra lộ trình cấm đồ nhựa tiện ích, từ túi nilon đến cốc, đĩa nhựa dùng một lần đến năm 2020 vì gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Theo GenK