Sau một thời gian đầu tư quyết liệt, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã dần định hình được một số tay chơi lớn như Adayroi, Lazada, Tiki, Shopee hay Sendo. Việc trang thương mại điện tử Adayroi thuộc Vingroup tạm dừng kinh doanh để thực hiện tại cấu trúc, sáp nhập với VinID tiếp tục cho thấy mức độ khốc liệt của thị trường.
Ngành thương mại điện tử vẫn thường được ví von là "cuộc đua nướng tiền" của đại gia khi mà biên lợi nhuận vô cùng thấp trong khi các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng… đều rất lớn và ngày càng lớn hơn.
Vấn đề mấu chốt của các trang thương mại điện tử còn trụ lại gần như chỉ xoay quanh vấn đề tiềm lực tài chính khi mà các doanh nghiệp này đều đang lỗ rất lớn và sẽ tiếp tục lỗ thêm rất nhiều nữa để duy trì vị trí của mình bằng không sẽ phải chấp nhận tay trắng rời cuộc chơi.
Với việc chịu lỗ trên mỗi đơn hàng thì hiện tại khi quy mô giao dịch càng tăng lên thì mức lỗ cùng ngày càng nhiều thêm. Nếu như năm 2015-2016, mức lỗ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm của Lazada đã gây kinh ngạc trong ngành thì giờ đây cả Lazada và đối thủ nặng ký nhất là Shopee đều đã đẩy mặt bằng lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng/năm.
Nếu như năm 2016, mức lỗ của nhóm "Big 4" ngành thương mại điện tử chỉ có 1.700 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng gấp đôi lên 3.400 tỷ và năm 2018 tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 5.100 tỷ đồng.
Gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam chưa đầy 3 năm, Shopee đang chi rất mạnh để thu hẹp khoảng cách với Lazada. Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.
Dù lỗ lũy kế gần 2.700 tỷ đồng trong 3 năm qua nhưng điểm đáng chú ý là Shopee chưa hề phát sinh doanh thu. Đến tận đầu quý 2/2019, trang thương mại điện tử này mới bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng của mình.
Trong khi doanh thu của Shopee bằng 0 - do không trực tiếp bán hàng - thì cả Lazada và Tiki (thông qua Tiki Trading) đều trực tiếp kinh doanh, qua đó cũng ghi nhận doanh thu đáng kể.
Năm tài chính kết thúc vào 31/3/2018, doanh thu của Lazada tăng vọt từ 1.100 tỷ lên 2.800 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ cũng tăng gần gấp đôi từ 1.200 tỷ lên 2.150 tỷ đồng, chủ yếu là do tăng chi phí tài chính cũng như chi phí bán hàng.
Với việc luôn chấp nhận mức lỗ vượt trội so với ngành, tính đến 31/3/2018, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 5.300 tỷ đồng. Giả sử vẫn duy trì mức lỗ khoảng 500 tỷ đồng/quý thì đến cuối năm 2018, tổng lỗ lũy kế của Lazada và Shopee đã lên đến gần 10.000 tỷ đồng!
Mặc dù lỗ rất lớn, nhưng vốn điều lệ của Lazada từ nhiều năm nay vẫn chỉ giữ nguyên ở mức 15 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn hoạt động đều được công ty mẹ - trước đây là Rocket Internet và hiện là Alibaba Group - hỗ trợ.
Với nguồn tài chính eo hẹp hơn so với 2 trang thương mại điện tử nước ngoài, mức lỗ của Tiki và Sendo có phần "khiêm tốn" hơn nhiều khi chỉ lỗ lần lượt là 760 tỷ và 700 tỷ đồng trong năm 2018. Dẫu vậy mức lỗ của cả 2 đều đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2017.
Nếu như Lazada hay Shopee đều có công ty mẹ là các tập đoàn công nghệ có nguồn lực tài chính dồi dào luôn sẵn sàng bơm vốn thì Tiki và Sendo lại đang có khá nhiều cổ đông trong và ngoài nước.
Với nguồn lực tài chính không dư giả, Tiki luôn phải thực hiện thêm các vòng gọi mới để bổ sung vốn. Năm 2018, Tiki huy động được thêm 920 tỷ đồng nhưng cũng tiêu gần hết do mức lỗ lớn trong năm. Để tiếp tục chạy đua trong năm 2019 thì việc công ty phải gọi thêm vốn là yêu cầu bắt buộc.
Tiki, Sendo và Momo là những doanh nghiệp công nghệ huy động được nhiều vốn nhất giai đoạn 2015-2018
Huy động được vốn, Sendo và Tiki vẫn sáng cửa trở thành kỳ lân tiếp theo?
Tháng 6/2019, Tiki đã huy động thêm được một lượng vốn đáng kể từ các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư hiện hữu nhưng con số cụ thể không được công bố. 2 cổ đông chính của Tiki hiện vẫn là VNG và JD.com.
Đến cuối tháng 11/2019, Sendo cũng công bố đã huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. FPT hiện vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài gồm SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa…
Theo CEO Sendo Trần Hải Linh, công ty có kế hoạch sử dụng vốn huy động được để mở rộng nền tảng tích hợp cho cả người bán và khách hàng, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning) để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Mặc dù vẫn lỗ lớn nhưng giá trị của Sendo hay Tiki đều tăng lên đáng kể qua mỗi vòng gọi vốn. Với việc huy động thêm 61 triệu USD cho 14,6% cổ phần thì định giá của Sendo đã lên đến 400 triệu USD.
Cả 2 trang thương mại điện tử này đều được đánh giá là có tiềm năng trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam sau VNG. Tất nhiên để điều này thành hiện thực thì điều kiện cần vẫn phải là huy động được thêm vốn từ để có thể tiếp tục gia tăng vị thế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.