Báo cáo thị trường hàng tiêu dùng nhanh quý II vừa được hãng nghiên cứu Kantar Worldpanel công bố cho thấy, bình quân khối lượng tiêu thụ mỳ ăn liền tính trên đầu người mỗi năm tại khu vực nông thôn lên đến 56 gói.
Con số này tại những thành phố như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ là 36 gói.
Trong vòng 1 năm qua, ước tính có đến 90% hộ gia đình nông thôn của Việt Nam sử dụng thực phẩm này. Vậy ăn mì gói có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ lý giải rõ hơn về điều này.
Khi ăn mì gói nên bổ sung thêm rau xanh và chất đạm
Trước thông tin ăn mì ăn liền ảnh hưởng đến sức khỏe, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, nếu người tiêu dùng ăn mì ăn liền trường kỳ thì sẽ bị suy dinh dưỡng do thiếu chất. Bởi lẽ chỉ có mì ăn liền thì dinh dưỡng không được cân bằng.
Khi ăn mì gói nên bổ sung thêm rau xanh (rau muống, cải xanh, xà lách xoong, nấm rơm, rau thơm…); hải sản (tôm, mực, cua…); thịt (heo, bò, gà); cá, trứng… để tô mì gói thêm giàu dinh dưỡng và ngon miệng.
Cũng theo PGS Thịnh, trên thế giới, chưa từng ghi nhận kết quả nghiên cứu khoa học nào đủ tin cậy để khẳng định mì ăn liền lại có thể chứa những chất gây ung thư.
Phân tích dưới góc độ của một chuyên gia công nghệ thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, trên thực tế, việc sản xuất mì ăn liền ở các công ty uy tín đều phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu nằm trong danh mục quy định của Bộ Y tế và rất phổ biến như: bột mì, muối ăn, bột ngọt, dầu chiên, ớt, tỏi, hành, rau củ sấy khô…
Vấn đề dầu chiên và quá trình chiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phải được kiểm soát chặt chẽ. Đầu tiên phải kể đến việc dùng loại dầu không dễ bị biến chất trong quá trình chiên, giúp không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Loại dầu này có nguồn gốc từ dầu cọ (dầu thực vật), sản xuất bằng phương pháp làm lạnh tự nhiên.
Về định lượng ăn bao nhiêu gói là phù hợp, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, không có định lượng vì người thấy đói thì ăn nhiều, người không thấy đói thì ăn ít. Tuy vậy, nếu ăn quá nhiều thì lượng muối trong mì có thể gây bệnh. Bởi ăn một bát mì ăn liền tương đương với uống 65ml nước mắm, lượng natri trong một gói mì vượt xa tiêu chuẩn bình thường. Tuy nhiên, lượng muối cho phép cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày không ăn được quá 6gr/người/ngày. Nếu ăn mì thường xuyên có thể làm tăng gánh nặng cho thận.
PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh cũng chỉ ra những người không nên ăn nhiều mì ăn liền.
Người béo phì, tim mạch
Mì ăn liền được chiên qua dầu với nhiệt độ cực cao, vì thế lượng chất béo bão hoà (khó tan) trong mì khá nhiều. Đây là chất béo làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh tim mạch nếu đi vào mạch máu, làm xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, thành phần dinh dưỡng của mì ăn liền không cân đối, chủ yếu từ tinh bột. Thành phần này càng dễ chuyển hoá thành chất béo, không có lợi cho cơ thể.
Người mắc bệnh dạ dày
Ăn nhiều mì ăn liền không những khiến vị giác giảm sút mà còn có thể tạo áp lực cho dạ dày trong việc tiêu hóa, làm xuất hiện các triệu chứng như đầy hơi, đau dạ dày…
Người mắc bệnh thận
Trong mì ăn liền thường được ướp rất nhiều muối, với lượng muối cao như vậy, khi ăn vô tình làm hại thận và không tốt cho người mắc bệnh thận.
Trẻ con không nên ăn nhiều mì ăn liền
Do mì ăn liền là thực phẩm ăn liền, có chứa nhiều dầu mỡ nên khi trẻ em ăn vào thường kích thích vị giác, không ăn các món ăn khác và dần trở nên biếng ăn.
Truyền thuyết đằng sau món 'mỳ qua cầu' nổi tiếng của Vân Nam
Nếu bạn là người thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ẩm thực Trung Quốc, bạn sẽ thấy rất nhiều phong tục và món ăn có truyền thuyết đằng sau chúng.
(Theo Báo Giao thông)