Lũ quét đi qua, bùn đất kinh hoàng đang bám víu khắp các đồ vật, tài sản nhà dân. Mọi người ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đang cố gắng gượng dậy, rũ bùn đất từ các vật dụng, mong sao sớm ổn định cuộc sống. 

Rũ bùn dưới dòng nước sau lũ quét lịch sử - Ảnh: Trần Tuyên

Khi nắng đã lên, mưa ngừng rơi, không thể ở nhờ mãi nhà hàng xóm hay người quen, một số người dân đã mua tạm vài tấm bạt, lấy khúc gỗ ở đâu đó trôi về dựng lều tạm để ở ngay trên nền nhà cũ. Đó là trường hợp vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoàng Yến (SN 1993), bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cùng con gái Tuệ Nhi (vừa sinh nhật 1 tuổi vào tối hôm qua 5/10) ngồi dưới tấm bạt chăng tạm. Đứa trẻ vẫn say sưa ngủ trên tay một người quen đang hỏi thăm tình hình.

“Vợ chồng em cưới nhau 5 năm trước, nhưng vì hiếm muộn con nên cắm bìa đất vay ngân hàng được 250 triệu đồng để đi viện nhờ can thiệp. Nay con vừa tròn một tuổi thì lũ cuốn mất hết nhà. Mấy hôm nay đều ăn ở nhà hàng xóm, quần áo, bỉm sữa đều do người khác cho”, chị Yến buồn bã cho biết.

“Hôm qua, vợ chồng mình che tạm tấm bạt trên đó, dọn dẹp đất đá. Tối đến xin ngủ nhờ nhà hàng xóm. Nay cũng là ngày sinh nhật tròn 1 tuổi của con gái đầu lòng Tuệ Nhi, một kỷ niệm ngày thôi nôi không bao giờ quên”, người mẹ trẻ ngậm ngùi tâm sự.

Mẹ con chị Yến trở về nhà dựng tạm cái bạt với 3 cọc chống - Ảnh: Trần Tuyên
Bé con nhà chị Yến vừa tròn một tuổi không còn nhà để ở. Ảnh: Quốc Huy

Lôi từ trong đống bùn ra được vài bộ áo quần, chị Lương Thị Dung (SN 1974, trú bản Hoà Sơn) cho biết, đó là những gì còn lại sau trận lũ lịch sử hàng chục năm qua.

“Hôm nay thời tiết nắng ráo, tôi mang đống quần áo lấm bùn đất ra khe giặt rồi đưa ra bãi đất trống trước nhà văn hoá phơi. Biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng mình phải cố gắng vượt qua”, chị Dung bày tỏ.

Quần áo là tài sản còn sót lại của nhiều gia đình sau cơn lũ - Ảnh: Trần Tuyên

Cũng sinh sống ở bản này và chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt lũ quét, anh Lương Văn Mai (SN 1981) cho biết, đường nước sạch hư hỏng nặng nên hiện tại, người dân ở đây vẫn chưa có nước sạch.

Nguồn nước sạch dùng để uống, nấu ăn đều dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền, các mạnh thường quân mang vào.

“Nước từ khe Huồi Giảng chảy vào bên trong trường học, được lọc qua lớp đất cát hôm lũ kéo vào phòng rồi theo đó chảy ra. Dân bản chúng tôi đắp đá xung quanh thành vũng nước nhỏ. Nước nhìn khá trong nên chúng tôi lấy về dùng tắm rửa, giặt giũ”, anh Mai nói.

Người dân lắng nước sạch bên khe Huồi Giảng chảy vào - Ảnh: Trần Tuyên
Đường dẫn nước sạch hư hỏng nặng, người dân chưa biết đến bao giờ mới có nước sạch sử dụng - Ảnh: Trần Tuyên

Trong sáng 6/10, các bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn đã đi đến từng nhà dân cấp phát thuốc phòng, điều trị các bệnh thường gặp trong bão lũ, ngập lụt như tiêu chảy, đau bụng, các loại thuốc giảm đau, hạ sốt… Đồng thời, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt thường ngày; triển khai việc phun hoá chất khử khuẩn môi trường, nhà cửa sau lũ quét.

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, nhiều bản làng tan hoang nhưng đi đến đâu cũng cảm nhận được tình thương yêu, hơi ấm của đồng bào dành cho nhau. Từ những bữa cơm đầu tiên khi hàng xóm bị trôi mất nhà, giữa trời thời tiết mưa lạnh cóng chân tay, họ nhóm bếp lửa sưởi ấm bên nhau.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ biên phòng, công an, quân đội, giáo viên, thanh niên tình nguyện,… có mặt khắp mọi nơi hỗ trợ giúp người dân khắc phục hậu quả.

Từng đoàn xe của các tổ chức từ thiện nối đuôi nhau mang theo nước sạch, mì tôm, các nhu yếu phẩm thiết yếu hướng về vùng tâm lũ.

Hình ảnh PV VietNamNet ghi lại:

Phun thuốc khử khuẩn
Người dân nơi tâm lũ nỗ lực dọn dẹp từng ngày, từng giờ để trở về với cuộc sống thường nhật.
Lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An nỗ lực giúp dân Kỳ Sơn khắc phục lũ quét mấy ngày qua

Quân dân nỗ lực dọn dẹp giữa cảnh hoang tàn
 

Lũ quét qua đi để lại hàng núi bùn đất, các lực lượng chức năng đã chung tay cùng người dân khắc phục - Ảnh: Quốc Huy
Bộ đội Biên phòng Nghệ An giúp dân ở bản Sơn Hà - Ảnh: Quốc Huy
Nhặt những vật dụng bị lũ cuốn đưa lên xe rùa - Ảnh: Quốc Huy
Ảnh: Quốc Huy
Người dân ở vùng nước lũ khá mệt mỏi sau nhiều ngày lũ quét qua - Ảnh: Quốc Huy
Giữa đống hoang tàn, họ đang cố gắng hết mình bơm nước vào nhà để rửa dọn - Ảnh: Quốc Huy
Mấy con lợn sống sót sau khi lũ quét qua - Ảnh: Quốc Huy
Lực lượng bộ đội, công an đang nỗ lực giúp dân sớm ổn định cuộc sống - Ảnh: Quốc Huy
Vết tích còn sót sau khi cơn lũ lịch sử ở huyện miền núi Kỳ Sơn - Ảnh: Quốc Huy

Quốc Huy - Trần Tuyên

Bạn đọc chung tay cùng người dân miền Trung khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra xin vui lòng gửi về:1.     Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2022.mienTrung

Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET

Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội

- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: Báo VIETNAMNET

- The currency of bank account: 0011002643148

- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM

- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam

- SWIFT code: BFTVVNV X

- Qua TK ngân hàng Vietinbank:

Chuyển khoản: Báo VietNamNet

Số tài khoản: 114000161718

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa

- Chuyển tiền từ nước ngoài:

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch

- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội

- Swift code: ICBVVNVX126

2.     Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:

- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.

- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM. Điện thoại: 19001081.