Đến công sở sợ nhất... bãi gửi xe

Nữ nhân viên Trần Ngọc Hường, 28 tuổi, làm việc tại công ty quảng cáo, sự kiện ở quận 1, TP.HCM vừa quyết định nghỉ việc vì... bác bảo vệ tòa nhà. 

Công ty Hường đóng tại tầng 4 tại một cao ốc cho thuê văn phòng. Tầng dưới là nơi để xe, cũng là địa điểm "đóng đô" của phòng bảo vệ. 

Chuyện không có gì cho đến thời điểm cuối năm ngoái, tòa nhà này có bác bảo vệ mới đến làm việc. Người này tầm ngoài 50 tuổi, thường xuyên quát tháo, nhăn nhó khó chịu, buông những lời rất tục tĩu... 

Từ đó, mỗi ngày đi làm Hường sợ nhất bãi gửi xe. Khi cô dựng xe vào chỗ trống liền bị bác quát, bắt dắt xe ra ngoài để xếp lại. Lần sau, cô chờ hỏi chỗ dựng thì bảo vệ khinh khỉnh "tự đi mà tìm". 

  Một phụ nữ ở Hà Nội bị bảo vệ đánh vì chuyện để xe. (Ảnh chụp lại màn hình).

Buổi chiều ra về cũng là nỗi cực hình với Hường. Xe thường bị kẹt phía trong, Hường lên tiếng nhờ giúp đỡ trong khi bác bảo vệ nằm trên ghế bố tỉnh bơ không đáp, không trả lời. Cả chục phút sau, ông bác mới miễn cưỡng đứng dậy dắt xe kèm đủ lời càm ràm, quát tháo. 

Tại tòa nhà đã từng xảy ra nhiều vụ việc bảo vệ đụng độ, mâu thuẫn với nhân viên, khách hàng, có khi còn có ẩu đả. 

Cũng đôi lần Hường thử bắt chuyện, mời bác bảo vệ ly cà phê, mời ăn sáng... mong tìm bầu không khí dễ chịu hơn nhưng bất lực. Cô nghĩ mình đi làm, gửi xe công ty trả phí chứ đâu đi ăn xin mà sao phải lục lạy, quỵ lụy khổ sở. 

Hường từng phản ánh lên công ty vấn đề bảo vệ. Tuy nhiên, bảo vệ thuộc người bên tòa nhà cho thuê nên công ty cô không can thiệp trực tiếp, quản lý chỉ ghi nhận rồi để đó.

Cảnh ngày nào cũng ra vào vài ba lượt, đụng mặt bác bảo vệ dữ dằn làm nữ nhân viên rơi trạng thái căng thẳng, mệt mỏi... Có hôm cô lấy xe trễ hơn thường ngày lập tức bị bảo vệ chì chiết, gây khó dễ giữ xe cả tiếng làm cô tủi thân phát khóc.

Chịu hết nổi, mới đây Hường tìm việc mới dù mức thu nhập thấp hơn mức lương 26 triệu đồng lâu nay của cô.

Mất khách vì bảo vệ 

Nhắc đến bảo vệ, bà Lê Mỹ Dung, quản lý một trường mầm non tư thục ở TP.HCM lại buốt ruột vì bài học nhớ đời. 

Cách đây 4 năm, bà và cộng sự đổ rất nhiều tâm huyết, tiền bạc mở trường. Trường thu hút được rất nhiều phụ huynh, gia đình đưa con đến tham quan nhưng hầu hết không trở lại sau lần "school tour" đó. Trường rất khó tuyển sinh và khó cả việc giữ chân học sinh. 

Đội ngũ quản lý lục lọi hết mọi khâu vẫn tìm không ra "lỗi" ở đâu. Cho đến lần xảy ra sự việc bảo vệ vặn bong gân khuỷu tay mẹ một học sinh.

Chết khiếp bác bảo vệ, cô gái khổ sở từ bỏ mức lương 26 triệu đồng - 2

Bảo vệ cởi áo thách thức, không cho xe cứu thương đón bệnh nhân hấp hối xảy ra tại bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước (Ảnh cắt từ clip).

Người mẹ trên không kiện cáo, để thuận lợi rút con khỏi trường. Trước khi đi, bà nói: "Bảo vệ như ở trường này thì còn ai dám đưa con đến học". 

Các quản lý tìm hiểu mới phát hiện hóa ra hai bảo vệ thường xuyên phì phèo thuốc lá hay to tiếng, cáu bẳn, quát nạt trẻ và phụ huynh. Bảo vệ không hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh mà còn có nhiều lời nói, hành vi hạch sách, cản trở khách hàng.

Lâu nay nhà trường không để ý vì khi có mặt quản lý, giáo viên thì bảo vệ thường tỏ ra lởi xởi. 

Theo bà Dung, văn hóa của một công ty, tổ chức thể hiện ở ngay cách ứng xử, lời ăn tiếng nói của người bảo vệ. Thế mà lâu nay, trường lo chăm chút, đầu tư nhiều cho việc dạy học, cơ sở vật chất... mà bỏ quên khâu "mặt tiền". 

"Sau lần đó, thay vì thuê bảo vệ từ đơn vị bên ngoài, chúng tôi tự tuyển dụng, đào tạo nhân viên ở vị trí này để họ nắm rõ về văn hóa tổ chức. Đồng thời, tạo điều kiện để bảo vệ đi học thêm các kỹ năng bên ngoài", bà Dung cho biết. 

Ngoài kia, không thiếu các bác bảo vệ rất nhiệt tình, thân thiện, luôn chủ động hỗ trợ khách nhưng cũng không ít bảo vệ tác oai tác quái ngay tại cánh cổng của nhiều cơ quan, công sở, tòa nhà. Không chỉ là khó chịu, khó tính, không ít bảo vệ lộng quyền, hạch sách, gây khó dễ với khách hàng. 

Thực tế đã từng xảy ra nhiều vụ đụng độ, xung đột tại các cơ quan, công ty, công sở xuất phát từ... bảo vệ.

Sự việc mới đây xảy ra tại bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước, nhân viên bảo vệ cởi áo, gây gổ với tài xế xe cứu thương, không cho xe đón bệnh nhân đang hấp hối gây bức xúc dư luận. Tại một số bệnh viện khác cũng từng xảy ra việc bảo vệ xô xát, ẩu đả người nhà bệnh nhân. 

Hay ở Phú Quốc, tổ bảo vệ 6 người cầm gậy gộc đánh đuổi một nhóm du khách làm hai người trong số này bị thương, gãy tay. Nhóm bảo vệ này sau đó bị khởi tố điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. 

Ở Hà Nội cũng từng xảy ra sự việc bảo vệ là thanh niên cao lớn đánh một phụ nữ tới tấp vì mâu thuẫn trong chuyện gửi xe. 

Ông Nguyễn Quốc Ngọc Duy, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp tại TPHCM cho biết, nhiều doanh nghiệp chi mạnh về nhân sự, thiết bị, cao ốc mà đôi khi không biết mình mất khách vì... bảo vệ. 

Chết khiếp bác bảo vệ, cô gái khổ sở từ bỏ mức lương 26 triệu đồng - 3

Bảo vệ "hỗn chiến" với dân xảy ra tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang (Ảnh chụp lại màn hình).

Ông Duy tổng kết, bảo vệ thường do đơn vị dịch vụ cung cấp chứ không thuộc nhân sự của công ty. Nhiều bảo vệ làm việc nhưng không hề nắm văn hóa, tinh thần của tổ chức. 

Sự lộn xộn còn xuất phát từ việc nhiều người đi làm bảo vệ vì thất nghiệp, không có việc làm, lớn tuổi... đành chấp nhận mức lương thấp chứ không phải họ chọn nghề để đầu tư một cách chỉn chu. 

Ngoài ra, thêm một vấn đề khá tế nhị, theo ông Duy, bảo vệ vẫn bị xem là công việc thấp kém. Nhiều bảo vệ mang tâm lý tự ti nên thể hiện quyền lực bằng cách hạch sách, gây khó dễ cho người khác.

Ông Nguyễn Quốc Ngọc Duy nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chú ý đầu tư, đào tạo nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử, quan tâm đến môi trường làm việc đối với vị trí công việc "gác cửa". 

Theo Dân Trí