Liên quan đến vụ rơi thép đè chết người đi đường vào sáng ngày 6/11 tại dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải cho hay chuyện này đã được cảnh báo từ trước.
Xem nhẹ an toàn
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo tạm dừng thi công trên toàn bộ dự án để rà soát, thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn thi công và hướng dẫn giao thông. Bộ đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt, Tổng thầu FPC, nhà thầu phụ, Tư vấn giám sát, kiểm điểm và phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm minh và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết không để xảy ra sự cố tương tự trong thi công dự án.
Người tham gia giao thông lo lắng về vấn đề an toàn |
Ông Cấn Hồng Lai - TGĐ Cienco 1 thừa nhận, quá trình thi công, nhà thầu đã không kiểm tra kĩ các mối hàn trước khi tiến hành nâng các thanh thép, dẫn đến việc bị bật mối hàn khi nâng.
"Đây là một gói thầu nhỏ và thi công khá đơn giản, nhưng do đơn vị thi công đã chủ quan, không làm tốt các công đoạn kiểm tra, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi đã đình chỉ đội thi công này ngay sau khi xảy ra sự việc. Hiện, sẽ chờ phía nhà thầu chính đồng ý, chúng tôi sẽ thay thế đội thi công mới tại công trình này" - ông Cấn Hồng Lai cho hay.
Ngoài ra ông Lai cũng thừa nhận, việc cảnh giới an toàn tại công trường còn thiếu, cùng với đó là việc chọn thời điểm thi công chưa hợp lý.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Liên đoàn Lao động Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có ít nhất 90 vụ tai nạn lao động, làm chết và bị thương gần 100 người. Trong đó, có 16 vụ làm 18 người chết. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ tai nạn lao động đã tăng 33 vụ, 26 người bị nạn.
Thiếu chế tài đủ mạnh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các vụ tai nạn. Theo Bộ Xây dựng nguyên nhân chủ yếu của các tai nạn nêu trên là do chủ đầu tư, nhà thầu không tuân thủ đầy đủ các quy định kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Dù quy định của Bộ Giao thông Vận tải đã rất rõ ràng: Khi thực hiện dự án xây dựng, công tác đảm bảo an toàn lao động bao giờ cũng được đặt lên trên hết; các công nhân, cán bộ phải được tập huấn đầy đủ và phải có thiết bị cảnh báo, những pano, áp phích để hướng dẫn cho người tham gia giao thông và người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại nhiều công trình xây dựng, đã không đảm bảo được quy định này.
Những tháp cần cẩu lơ lửng ảnh hưởng tới người dân |
Bên cạnh đó, đánh giá của các chuyên gia cho rằng, chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về an toàn lao động hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức cảnh cáo, răn đe. Thêm vào đó, công tác hậu thanh tra xử lý chưa hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu, Sở Giao thông vận tải chủ trì thực hiện toàn diện công tác đảm bảo an toàn giao thông, quản lý nhà nước đối với hạ tầng giao thông; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động xây dựng công trình liên quan đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Sở Xây dựng làm tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, tăng cường quản lý chất lượng công trình; chỉ đạo Thanh tra xây dựng phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm, kiên quyết đình chỉ thi công đối với các đơn vị thi công không đúng giấy phép, không tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ.
D.Linh