- “Dự thảo đề án đổi mới giáo dục đã "toàn diện" khi đụng đến tất cả các cấp học, tất cả các khía cạnh quan trọng của nền giáo dục như chất lượng, số lượng, quản lý, tài chính, sách giáo khoa, giáo viên… Nhưng “căn bản” - tức đổi mới gốc rễ của vấn đề thì chưa thể hiện rõ”- TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT nêu quan điểm.
Mới chỉ “toàn diện”
- Đọc đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Bộ GD-ĐT, ông có thấy những điểm “căn bản, toàn diện” của giáo dục Việt Nam đã được đổi mới?
“Toàn diện” thì có – vì bản đề án đã đụng đến tất cả các cấp học, tất cả các khía cạnh quan trọng của nền giáo dục như chất lượng, số lượng, quản lý, tài chính, sách giáo khoa, giáo viên…
Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng. |
Nhưng “căn bản” - tức đổi mới gốc rễ của vấn đề thì chưa thể hiện rõ. Đa phần các giải pháp đổi mới nêu trong dự án là hướng tới làm tốt hơn cái hiện có – chứ chưa ở tầm nhằm nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam trong so sánh với giáo dục các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chắc cũng vì thế mà chữ “cải cách giáo dục” không được dùng tới – mà chỉ dừng ở “đổi mới”. Tôi lo ngại nếu như vậy không đặt được mục tiêu phát triển giáo dục như một khâu đột phá nêu trong nghị quyết Đại hội đảng XI.
- Ông từng cho rằng một trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu học và trung học, bỏ đi cấp THPT. Theo đề án, chương trình phổ thông vẫn kéo dài 12 năm. Điều này có khiến ông thất vọng?
Dự án đã lựa chọn giải pháp mang tính “lộ trình” để dung hòa các quan điểm khác nhau về vấn để này, tức “Ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay” kèm theo câu “tiếp tục nghiên cứu đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của các nước”. Tức là sẽ làm, nhưng chưa làm ngay.
Nói về cảm xúc cá nhân thì tôi không “thất vọng” – nói chung tôi ít thất vọng khi một mong muốn gì đó của mình không được thực hiện, nhưng nếu nói “nuối tiếc” thì có.
Tôi tin là sớm muộn hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam cũng sẽ tái cấu trúc theo mô hình 2 cấp học Tiểu học và Trung học, sẽ tạo điều kiện phân luồng mạnh sau 9-10 năm học, và thanh niên sẽ có bằng đại học, bằng nghề sớm hơn.
Việc tái cấu trúc chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi. Và sớm thì tốt hơn, vì chúng ta tụt hậu nhiều so với các nước khác rồi. Hiện nay Việt nam duy trì 2 loại trường phổ thông – phổ thông cơ sở và phổ thông trung học, tuy nhiên khi thống kê thì các tổ chức thế giới cũng gộp lại làm một – gọi là “Secondary Education” (cấp hai).
Tôi cũng muốn nói thêm là thế giới cũng đang đau đầu về một hiện tượng của thế kỷ 21 là xã hội ngày càng đông lớp người “lớn nhưng chưa trưởng thành” – lớn về mặt sinh học, nhưng chưa trưởng thành vì mãi vẫn không vào đời tự nuôi sống mình và có trách nhiệm với những người xung quanh được – một trong các lý do là giáo dục phổ thông không phù hợp, học nhiều quá. Tái cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông cũng nhằm góp phần giải quyết vần đề này.
Gốc rễ vấn đề là đổi mới tư duy
- Theo ông, gốc rễ của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo ông phải bắt đầu từ đâu? Việc gì cần làm trước tiên?
Ảnh Lê Anh Dũng |
Tôi đồng tình với bản dự thảo khi cho rằng gốc rễ việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam (nhiệm vụ và giải pháp số 1 ghi trong đề án) là “đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục”.
Tuy nhiên cần đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc ở các cấp cao nhất của Quốc gia – chứ không nên ghi chung chung “Nhiệm vụ và giải pháp này nhằm thay đổi nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về giáo dục”.
- Nếu theo nội dung của đề án, sau 2015 ta sẽ tiếp tục giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bỏ thi ĐH. Ông có tin tưởng vào tính khả thi của chủ trương này?
Trong dự thảo có riêng một mục nói về đổi mới thi cử (giải pháp số 3), trong đó có nói về thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào ĐH.
Ở góc độ là cán bộ quản lý một trường ĐH, tôi mong muốn những người ở cấp cao cần đổi mới tư duy để có nhận thức là “việc thi đầu vào là công việc và trách nhiệm của từng trường ĐH”.
Các trường ĐH đã đủ khả năng dạy hàng trăm môn học, đủ khả năng hướng dẫn đồ án cuối khóa, đủ trách nhiệm công nhận tốt nghiệp ĐH cho hàng ngàn sinh viên – thì cũng dư khả năng tuyển đầu vào phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình.
Trách nhiệm của trường, mà cứ đẩy lên cấp nhà nước để bàn là cần thi tuyển đầu vào thế nào là một biểu hiện về việc tư duy vẫn theo lối cũ.
- Theo ông đâu là giải pháp để các trường đại học ngoài công lập phát triển?
Giải pháp để các trường ĐH ngoài công lập phát triển không phải là những giải pháp tình thế như thay đổi cách thi tuyển đầu vào – mà ở chỗ phải đổi mới tư duy về vị trí và vai trò của hệ thống đại học ngoài công lập trong hệ thống GD ĐH Việt Nam.
Trong đề án có riêng một mục về hội nhập và hợp tác quốc tế trong giáo dục. Phần này tôi cảm thấy tư duy và tầm nhìn đều yếu, chỉ mới dừng ở quan điểm hội nhập theo hướng tăng cường “nhập khẩu giáo dục” và “tỵ nạn giáo dục”. Cá nhân tôi phản đối việc đưa vào đề án nội dung “Khuyến khích và hỗ trợ công dân Việt Nam đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng kinh phí tự túc”. Nội dung này nếu được thông qua và triển khai thành nghị quyết, lại kết hợp với chủ trương trong 10 năm tới hầu như giữ nguyên quy mô đào tạo sinh viên đại học trong nước - thì không biết hệ thống GD ĐH Việt Nam đi về đâu. |
Cần nhận thức rằng GD ĐH không phát triển thì kinh tế sẽ không phát triển, và GD ĐH ngoài công lập không phát triển thì cũng đừng mong GD ĐH nói chung phát triển.
Đặc biệt tại Việt Nam - khi đầu tư từ ngân sách cho GD ĐH bị hạn chế và sức ỳ thiếu năng động sáng tạo, hoạt động thiếu hiệu quả, chất lượng thấp của hệ thống ĐH quốc doanh qua bao nhiêu năm quản lý tập trung bao cấp.
Hiện nay số sinh viên ĐH ngoài công lập chỉ chiếm khoảng 13%, còn 87% là sinh viên công lập, do đó việc yếu kém của hệ thống GD ĐH Việt Nam là trách nhiệm của khối ĐH công lập.
- Cũng theo đề án, kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể chỉ gói gọn ở môn Toán, Văn. Ông có lo ngại chuyện học trò thi gì học nấy? Bản thân ông có muốn lựa chọn kết quả tốt nghiệp THPT của học sinh vào việc tuyển sinh của nhà trường?
Trong mô hình giáo dục của Anh và các nước thuộc khối thịnh vượng chung, học sinh phổ thông thi tốt nghiệp 6 môn, và học gì thi nấy, vì các năm cuối học sinh được chọn 6 môn để học, trong đó có một số môn bắt buộc như Toán, tiếng Anh. Tôi thấy mô hình này nếu Việt Nam áp dụng được thì quá tốt.
Theo quan điểm của Trường ĐH FPT, mô hình tuyển sinh đại học hợp lý là dựa trên kết quả đã có của thí sinh – trong đó có điểm thi tốt nghiệp - kết hợp kiểm tra thêm một số nội dung theo đặc thủ của ngành đào tạo. Nếu kết quả quá khứ có độ tin cậy cao thì sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Xin cảm ơn ông!
- Văn Chung (Thực hiện)