Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) và triển khai công tác gia đình trong tình hình mới, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình và đẩy lùi hủ tục trong cộng đồng.
Nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bài trừ hủ tục trên địa bàn huyện Chi Lăng đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chi Lăng được coi là xung kích trong triển khai các giải pháp.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Chú trọng từng bước đổi mới phương thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu sát với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cán bộ trực tiếp đến từng thôn, từng nhóm hộ, từng nhóm dân tộc để tuyên truyền, vận động; lồng ghép nội dung tuyên truyền tại hội nghị sinh hoạt chi hội hằng tháng; xây dựng tin, bài, phóng sự, ấn phẩm, tờ rơi, áp phích, tuyên truyền trên loa phát thanh công cộng…
Tính đến nay, có 95% cán bộ, hội viên phụ nữ tại các địa bàn trọng điểm được tuyên truyền; 100% cán bộ, hội viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tại các địa bàn trọng điểm được trang bị kỹ năng, kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; 100% địa bàn trọng điểm đều có mô hình tập hợp hội viên, phụ nữ bền vững…
Ngoài ra, Hội còn chủ động tổ chức Diễn đàn “Phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, phòng chống mua bán người. Xây dựng mô hình “Nhóm cha mẹ từ 0 đến 8 tuổi”; thành lập được 14 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 21 Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc. Ra mắt 21 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống tảo hôn. Phối hợp mở 50 lớp tập huấn kiến thức về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em…
Các cấp Hội cơ sở còn đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học; đã cung cấp trên 200 tranh treo tường cho nhà trường với các chủ đề như: Bạo lực gia đình đối với trẻ em; ra mắt 5 mô hình “Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình” tại xã Vân An, Vân Thủy, Gia Lộc, Bằng Mạc, thị trấn Chi Lăng. Các cấp hội là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ, người dân và cộng đồng thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình tại nơi cư trú.
Mới đây, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Chi Lăng cũng đã tổ chức Hội nghị Truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 8 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.
Những nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể huyện Chi Lăng đã giúp người dân hiểu rõ về mối nguy hại của bạo lực gia đình, hủ tục… Từ đó thay đổi nhận thức, hành vi, có lối sống lành mạnh, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Do vậy, thời gian qua, trên địa bàn huyện Chi Lăng không xảy ra vụ việc nào liên quan đến bạo lực gia đình.