Chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một vấn đề gây lo lắng cho cộng đồng quốc tế suốt hơn 20 năm qua. Quốc gia này được tin là đã tiến hành 3 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Bản đồ bãi thử hạt nhân của Triều Tiên

Triều Tiên khẳng định vụ thử hạt nhân thứ 3 liên quan đến một thiết bị hạt nhân "được thu nhỏ". Các vụ thử trước đó là vào năm 2006 và 2009, và tất cả đều dường như được thực hiện tại một bãi thử có tên Punggye-ri, còn được biết đến là P'unggye-yok, ở một khu vực hẻo lánh phía đông đất nước này, gần thị trấn Kilju.

Các vòng đàm phán đa phương trong bối cảnh cấm vận ngặt nghèo - một tiến trình được mô tả như trò chơi mèo vờn chuột - tỏ ra không hiệu quả trong việc kiềm chế các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Các vụ thử trước của Triều Tiên đều theo sau các vụ phóng tên lửa. Vụ phóng tên lửa mới nhất thành công là tháng 12 năm ngoái. 

Vụ thử hạt nhân 9/10/2006

Những tranh cãi dai dẳng về sự phân phát viện trợ của Mỹ đã lên đến cực điểm vào tháng 10/2006 với một thông báo từ phía Triều Tiên rằng nước này đã tiến hành một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất.

Trong vụ thử đầu tiên này, Bình Nhưỡng cho nổ một thiết bị dựa trên plutonium thay vì uranium đã làm giàu.

Vụ thử được thực hiện tại P'unggye-yok, và các quan chức tình báo Mỹ sau đó thông báo, phân tích mảnh vụn phóng xạ trong các mẫu không khí thu thập được vài ngày sau vụ thử khẳng định rằng vụ thử đã xảy ra. Tuy nhiên, họ cho rằng đó không phải là một quả bom lớn, mạnh chưa đầy 1 kiloton, gây nghi ngờ về mức độ tinh vi và tính hiệu quả của vũ khí này.

Với độ mạnh như vậy, quả bom chưa bằng 1/10 quả bom được thả xuống Hiroshima năm 1945.

Phản ứng về hành động này, Liên Hợp Quốc đã thông qua một loạt đòn cấm vận kinh tế và quân sự nhằm vào Triều Tiên.

Sau những năm tháng hội đàm gián đoạn, vào tháng 2/2007, Bình Nhưỡng đồng ý đóng cửa lò phản ứng hạt nhân chính ở Yongbyon để đổi lấy viện trợ và các nhượng bộ ngoại giao. Tuy nhiên, đàm phán sa lầy khi Triều Tiên cáo buộc các đối tác - gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga - không thực thi các nghĩa vụ như đã nhất trí.

Vụ thử ngày 25/5/2009

Đúng một tháng sau khi Triều Tiên bước khỏi bàn đàm phán quốc tế về hạt nhân, nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 2 dưới lòng đất và có sức mạnh lớn hơn vụ thử thứ nhất.

Bộ Quốc phòng Nga ước tính vụ nổ mạnh 20 kiloton, tương đương các quả bom Mỹ phá hủy hoàn toàn Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Mặc dù Triều TIên không công bố chi tiết về địa điểm thử nghiệm, các quan chức Hàn Quốc nói rằng một cơn địa chấn được phát hiện ở phía đông bắc quốc gia láng giềng, xung quanh thị trấn Kilju - sát cạnh P'unggye-yok.

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết một trận động đất 4,7 độ Richter đã xảy ra, nằm sâu 10km dưới lòng đất. Các cơ quan địa chất ở cả Hàn Quốc và Mỹ đều nói rằng cơn địa chấn biểu thị một vụ nổ hạt nhân.

Sau vụ thử, một thông cáo chính thức nói rằng đây là một "phần các biện pháp nhằm mở rộng lá chắn hạt nhân phòng thủ của Triều Tiên trong mọi hướng".

Vụ thử dưới lòng đất được tiến hành tiếp sau một vụ thử tên lửa tầm xa đe dọa cả châu Á và có thể chạm tới Mỹ.

Mỹ đã ra một nghị quyết lên án vụ thử và thắt chặt cấm vận. Và sau khi Mỹ áp đặt các đòn trừng phạt khắt khe hơn vào tháng 8/2009, Kim Jong-il tuyên bố ông sẵn sàng nối lại hội đàm hạt nhân.

Tháng 11/2010: Tham quan Yongbyon

Vào tháng 11/2010, khi một nhà khoa học nguyên tử Mỹ được phép tham quan nhà máy làm giàu uranium của Triều Tiên tại Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100km về phía bắc.

Siegfried Hecker được dẫn đi tham quan một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ thực nghiệm đang trong quá trình xây dựng, và có lẽ quan trọng hơn là một cơ sở mới chứa "hơn 1.000 máy li tâm" mà Triều Tiên khẳng định là đang xử lý uranium làm giàu cấp độ thấp để cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng mới.

Ông cho biết, cơ sở này dường như được thiết kế chủ yếu cho năng lượng hạt nhân dân sự, song nó cũng có thể dễ dàng chuyển đổi sang urnium tinh chế cao hơn tới cấp độ vũ khí.

Nhà khoa học trường Đại học Stanford này mô tả nhà máy là rất sạch sẽ và hiện đại - không giống như các cơ sở khác ở Yongbyon mà ông từng tham quan, đồng thời nói ông "ấn tượng" về mức độ tinh vi của nó.

Có một số cơ sở khác liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên trên khắp nước này. Chẳng hạn tại Taechon, công việc tại một nhà máy nước nặng graphite đã được khởi động nhưng đã tạm ngưng vài năm trước.

Vụ thử ngày 12/2/2013

Sáng ngày 12/2/2013, hoạt động địa chấn bất thường được phát hiện xung quanh bãi thử hạt nhân ngầm Punggye-ri. Tiếp sau đó là lời xác nhận của hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA rằng nước này đã thử thành công một quả bom "ở một cấp độ cao theo cách an toàn và hoàn hảo, sử dụng một thiết bị hạt nhân thu nhỏ và nhẹ hơn, với sức nổ lớn hơn trước" và "không gây bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với môi trường sinh thái xung quanh".

Ám chỉ "thu nhỏ" nhiều khả năng sẽ dẫn tới những lo ngại của giới quan sát rằng mục đích cuối cùng của Bình Nhưỡng là sản xuất một thiết bị đủ nhỏ để lắp vào một tên lửa tầm xa.

Thanh Hảo (Theo BBC)