Tác chiến điện tử được Iran xác định là một trong những thành phần quan trọng nhất của hệ thống phòng không Iran. Tại Bộ Tư lệnh Phòng không Iran, lực lượng tác chiến điện tử do một tướng là Phó Tư lệnh phụ trách.

Trinh sát điện tử

Phương tiện trinh sát điện tử được Iran bố trí để trinh sát cả trên mặt đất, trên không, trên vũ trụ và dưới nước. Trên mặt đất, Iran bố trí các loại radar thu tín hiệu, thường trực 24/24h để phát hiện các loại tín hiệu lạ sau đó truyền về trung tâm để xử lý.

Trên không, Iran sử dụng cả máy bay có người lái và không người lái để tiến hành trinh sát điện tử; nhiều thiết bị trinh sát điện tử trang bị trên các máy bay này do Iran tự nghiên cứu, chế tạo. Ngoài việc cải tiến một số loại máy bay trinh sát mua của Nga và Mỹ (trước đây) để nâng cao tính năng trinh sát điện tử, Iran cũng tự chế tạo một số loại máy bay dựa trên phiên bản của hai nước này.

{keywords}
Hệ thống tác chiến điện tử Iran. Ảnh: Armyrecognition

Trinh sát trên vũ trụ, Iran đã tự thiết kế và phóng thành công một số vệ tinh lên quỹ đạo được trang bị hệ thống C4I, với nhiệm vụ chính là phát hiện từ xa các mục tiêu chiến lược, chiến dịch của đối phương.

Trên mặt nước, Iran triển khai các thiết bị trinh sát điện tử trên cả tàu nổi và tàu ngầm. Đặc biệt, Iran có hệ thống xuồng cao tốc rất mạnh. Những xuồng cao tốc này được trang bị các thiết bị trinh sát và chỉ huy điện tử, cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ trinh sát và tác chiến theo lệnh từ trung tâm chỉ huy.

Bảo vệ điện tử

Đây là lĩnh vực được Iran đặc biệt quan tâm vì đối tượng tác chiến của nước này rất mạnh. Iran đã chuyển một số cơ sở hạt nhân xuống hầm ngầm để ngăn chặn đối phương trinh sát, tấn công phá hủy. Ở gần những khu vực này, Iran lắp đặt các hệ thống quan sát phát hiện tín hiệu, phương tiện từ bên ngoài có thể tiếp cận mục tiêu.

Các hệ thống báo động - luôn sẵn sàng xử lý khi có “vấn đề” được thiết kế dưới dạng tổ hợp, gồm nhiều tầng, nhiều lớp được ngụy trang và bảo vệ cẩn mật để ngăn chặn đột nhập vào bên trong tổ hợp và thâm nhập vào hệ thống máy móc.

Iran còn lắp đặt hệ thống thiết bị chống nguy cơ trinh sát và chế áp của đối phương, tập trung vào 3 nhóm giải pháp: 1. Gây nhiễu, phá sóng, vô hiệu hóa các tín hiệu trinh sát và chế áp của đối phương; 2. Cài đặt các phần mềm ngăn chặn sự xâm nhập của đối phương vào hệ thống máy tính và thiết bị điện tử; 3. Triển khai các máy móc, thiết bị điện tử thành hệ thống thống nhất để chúng hoạt động đúng chức năng, đồng bộ và không ảnh hưởng đến nhau.   

Chế áp điện tử

Đây là lĩnh vực được Iran đầu tư phát triển mạnh và đạt được những thành công đáng kể. Iran từng sử dụng phương pháp chế áp điện tử để “bắt sống” máy bay không người lái Sentinel-170 RQ của Mỹ.

Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, thể hiện được khả năng phát hiện và chế áp mục tiêu của đối phương, từ đó khai thác thông tin tình báo, kỹ thuật trên máy bay để nâng cao khả năng tác chiến điện tử của Iran.

Về hình thức sử dụng, Iran sử dụng cả hình thức chế áp cứng và chế áp mềm. Trong chế áp cứng, Iran chủ động sử dụng lực lượng, phương tiện để phá hủy các thiết bị điện tử, trinh sát của đối phương khi xâm nhập hoặc chuẩn bị xâm nhập lãnh thổ Iran.

Trong chế áp mềm, Iran sử dụng năng lượng từ trường, các phần mềm có chứa virus… để ngăn chặn, đánh lừa các phương tiện của đối phương. Đối tượng của chế áp mềm là các thiết bị điện tử, hệ thống máy tính của đối phương.

Theo các chuyên gia quân sự Iran, lực lượng tác chiến điện tử nước này có thể làm thay đổi đường bay của một tên lửa dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và máy bay không người lái.

Hiện nay, Iran đang tập trung nâng cấp khả năng tác chiến điện tử theo các hướng sau: Một là, chuẩn bị lực lượng, phương tiện hiện đại sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh công nghệ cao.

Hai là, đầu tư phát triển, mua sắm các loại thiết bị tác chiến điện tử hiện đại, bảo đảm chế áp được phương tiện của đối phương và bảo vệ được phương tiện của mình (hiện đại hóa hệ thống radar thu, phát tín hiệu; thiết bị gây nhiễu; thiết bị chế áp điện tử…).

Ba là, phối kết hợp tác chiến điện tử một cách hiệu quả với các phương thức tác chiến khác trong một đội hình thống nhất (phá sóng phát thanh, truyền hình, cắt đường thông tin qua vệ tinh của đối phương; dùng các phương tiện phát sóng AM, FM để triển khai tâm lý chiến; kết hợp các phương tiện tiến công đường không hiện đại; dùng thiết bị và vật liệu mới để phá hủy thiết bị điện tử của đối phương…).

Bốn là, điều chỉnh cơ cấu, tổ chức, lực lượng và phương tiện của tác chiến điện tử theo hướng hiện đại, bí mật, cơ động và hiệu quả, bảo đảm đủ khả năng tác chiến trong chiến tranh công nghệ cao.

Mục tiêu là đưa Iran trở thành cường quốc tác chiến điện tử hàng đầu khu vực, đủ khả năng đánh thắng các cuộc tiến công của đối phương.

Nguyên Phong

Xem máy bay ném bom Mỹ khoe uy lực ở cửa ngõ Iran

Xem máy bay ném bom Mỹ khoe uy lực ở cửa ngõ Iran

Không quân Mỹ vừa công bố một đoạn phim về máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân B-52 bay qua Vịnh Ba Tư.

Cố vấn an ninh Mỹ cảnh báo ‘khủng hoảng hạt nhân leo thang’ với Iran

Cố vấn an ninh Mỹ cảnh báo ‘khủng hoảng hạt nhân leo thang’ với Iran

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 29/1 cảnh báo, Iran đang tiến tới mục tiêu có đủ nguyên liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân.