Bãi đỗ xe tại Hà Nội mới đáp ứng 8-10% nhu cầu. Tuy nhiên, nhiều chỗ được quy hoạch làm bãi đỗ thì chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích. Những chỗ không được phép trông coi như gầm cầu, vỉa hè, đất dự án khác thì lại ngang nhiên bị biến thành bãi đỗ.
Trong khi đó, hàng loạt dự án bãi đỗ ngầm, nổi thì lại bị đắp chiếu cả chục năm nay. Mặc dù Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia quy định bắt buộc bố trí bãi đỗ xe ô tô là 20 m2/100 m2 sàn hoặc mỗi căn hộ; chỗ đỗ xe máy là 6m2/100m2 sàn; nhà thu nhập thấp cũng phải bố trí bằng 60% định mức chung, thực tế thì chỉ đạt 10% còn 90% thả nổi. Như vậy, 90% không gian đô thị sai mục đích: vỉa hè, lòng đường, công viên, công sở, trường học, không gian công cộng hay tất cả phần còn lại của thành phố thành nơi đỗ xe. Đây là tài sản công nhưng bị chiếm dụng, dùng riêng và không đóng góp trở lại chi phí đầu tư
KTS Mochizuky Shinnichi (Nhật bản) cho biết tại Nhật Bản, diện tích đô thị dành cho mỗi xe ô tô không chỉ là 20m2 tại nơi ở mà còn cần thêm 2-3 chỗ khác, như tại nơi làm việc/học tập, mua sắm giải trí. Như vậy, cần ít nhất 2,5 lần x 20m2/chỗ đỗ = 50m2 đỗ xe/ô tô hoặc 15m2/xe máy.
Không thể dùng nguồn lực công để đáp ứng nhu cầu đỗ xe cá nhân?
Quận Hoàn Kiếm có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất Hà Nội (4,53 triệu m2) với gần 200.000 xe máy và 17.000 ô tô. Với lượng xe cộ này cần hơn 1 triệu m2 để đỗ xe. Hiện đã có hơn 300 điểm đỗ xe được cấp phép, phần lớn là lòng đường, vỉa hè,... nhưng cũng chỉ đáp ứng 14% , còn thiếu 86%. Tất nhiên là 100% xe vẫn đỗ trong quận Hoàn Kiếm, nhưng thu phí đỗ xe vào ngân sách chỉ 14%, còn lại là ngoài kiểm soát. Nếu có giải pháp triệt để thu phí đỗ xe thì với giá rẻ vẫn tăng thêm 50% tổng thu ngân sách (3.500/7.000 tỷ đồng - 2018).
Thành phố đã rất cố gắng tham gia “giải cứu" nhưng “hụt hơi" ngay từ quy hoạch đến đề xuất dự án cũng như thu hút đầu tư.
Tư vấn nội, ngoại bố trí dày đặc điểm đỗ xe vào khu vực nội thành, mâu thuẫn với định hướng quy hoạch phân 3 vùng hạn chế phương tiện đi vào thành phố. |
Tư vấn ngoại cũng không hơn gì khi đề xuất các bãi đỗ xe ngầm vào các bãi đất trống (công viên, quảng trường sân vận động, đất trống ven đê, sân Cung Văn hóa) thay vì phải là vào khu vực ngoại biên hay cận biên khu vực hạn chế phương tiện. Làm như vậy sẽ tạo lực hút xe riêng đi vào vào khu vực hạn chế phương tiện; tạo ra vô vàn xung đột mới tại các điểm vào ra bãi đỗ xe ngầm. Đó là chưa kể những nguy cơ rủi ro cháy nổ từ bãi đỗ ngầm so với bãi đỗ trên cao (theo ý kiến của đơn vị PCCC); tư vấn nội bố trí bãi đỗ xe dày đặc trong trung tâm thành phố. |
Các thành phố giàu hay nghèo chỉ đầu tư công vào vận tải công cộng. Tại Nhật Bản chỉ bố trí chỗ để xe đạp công cộng tại các ga tầu lớn. Xe đạp trên phố cũng phải trả phí. Phí đỗ xe cao tại các thành phố lớn nên tư nhân đã đầu tư kinh doanh bãi đỗ xe ngầm, nổi hiệu quả hơn mở nhà hàng. |
Các thành phố trên thế giới đều coi bãi đỗ xe là bất động sản dịch vụ… nổi tiếng nhất là tòa nhà Marina City giữa trung tâm thành phố Chicago (Mỹ) với 65 tầng, trong đó có 20 tầng bố trí 896 chỗ trị giá 260 triệu USD, với 1/3 là bất động sản đỗ xe. Ô tô, xe máy riêng đều phải trả phí đỗ xe. Tại London (Anh) thu phí đỗ xe > 6 giờ là 20£, cộng thêm phí đi vào trung tâm và ô nhiễm 24 £/ngày, tương đương khoảng 1,3 triệu VND/ngày (gấp 6-7 lần Hà Nội). Trong ảnh là một khu vực đỗ xe bố trí bên dưới đường sắt trên cao tại London. |
Đỗ xe trong thành phố, giải pháp nào bền vững?
So sánh hiệu quả đầu tư này đã phần nào giải thích sự trì trệ các dự án bãi đỗ xe hiện nay. Thực tế đó cho thấy, sau hơn 30 năm kinh tế thị trường, mô hình quản trị vẫn bao cấp năng nề, quan hệ “xin/cho” thể hiện rõ trong kế sách bố trí bãi đỗ xe của Hà Nội nói riêng, quy hoạch tổng thể giao thông động và tĩnh nói chung.
Ngành giao thông vận tải đáng nhẽ phải tiên phong, chủ động lập kịch bản giao thông thích năng động, thích ứng, đóng vai trò kích hoạt phát triển kinh tế - xã hội,... Nhưng thực tế cũng chỉ can thiệp nhỏ lẻ, đối phó tình thế/bị động,... chưa xứng đáng với vai trò tham mưu ngành của thành phố.
Ngành xây dựng, quy hoạch kiến trúc đô thị thì chưa xác định quá trình phát triển đô thị là tạo không gian hoạt đông thuận lợi, công bằng cho hoạt động của chuỗi kinh tế đa ngành, có tính tương tác cao... nên các tài liệu quản trị đô thị vẫn thô sơ, chỉ nặng về vẽ vời, dễ dàng thay đổi/thỏa hiệp các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong các hồ sơ nhằm có lợi cho phát triển bất động sản tư nhân trong điều kiện hạ tầng công cộng thiếu hụt, chất lượng không gian đô thị và môi trường sống suy giảm.
Trong công viên Thống Nhất có khu đất rộng hơn 10.000m2, có sẵn tầng ngầm dự kiến chuyển đổi thành bãi đỗ xe ngầm nhưng vẫn bất động gần 10 năm. Suất đầu tư sẽ là hàng tỷ đồng/chỗ đỗ ngầm, rẻ thì cũng vài trăm triệu,... nhưng chỉ vài ngàn đồng tiền sơn là có ngay một bãi đỗ xe được vẽ trên lòng đường vỉa hè? |
Ngành Tài nguyên Môi trường có nhiệm vụ quản lý tài nguyên đất đai đô thị, nhưng chưa từng có kế sách gì nhằm gia tăng giá trị. Hàng ngàn hecta đất công đã chuyển đổi thành tài sản tư nhưng ngành không tạo lập các công cụ tài chính đất đai hiệu quả, dẫn đến thu không đủ chi phí phát triển đô thị, bị động trước nạn đầu cơ đất đai rồi bỏ hoang lan tràn. Ngân sách đầu tư lớn để đo đạc số hóa bản đồ nhưng hệ thống thông tin quản trị đất đai vẫn lạc hậu, không đủ tin cậy để làm cơ sở thu thuế/phí sử dụng đất công (như thất thu 90% đất công bị chiếm dụng để đỗ xe riêng).
Rõ ràng, đã tới lúc cần một thiết chế/mô hình quản trị tài nguyên đất đai, môi trường đô thị tích cực hơn.
Giải pháp bền vững đáp ứng nhu cầu đỗ xe cá nhân trong đô thị thì cá nhân phải có trách nhiệm chi trả đúng giá trị. Thay vì lo toan đáp ứng phúc lợi đỗ xe thì hãy coi đây là ngành kinh tế dịch vụ tiềm năng. Hãy sử dụng công cụ tài chính để điều tiết cung cầu thay vì những công cụ hành chính quan liêu trì trệ. Các cơ quan quản trị công hãy làm tròn chức phận của mình, như quản lý tài sản công bao gồm đất công, công trình hạ tầng công cộng, nguồn lực thuế phí một cách minh bạch hiệu quả và hỗ trợ xã hội phát triển ngành kinh tế dịch vụ đỗ xe ngày một phát triển, tân tiến, thịnh vượng,... Biết đâu, ngành kinh tế này phát triển mạnh mẽ gấp nhiều lần ngành kinh doanh bất động sản không chỉ tại Hà Nội mà hầu hết các địa phương trên cả nước.
Ngành Địa chính Pháp trực thuộc Tổng cục Thuế nước này, với biên chế 9.000 nhân viên (trong đó 1.500 nhân viên đo đạc thực địa). Địa chính Pháp quản lý 88 triệu thửa đất, 36 triệu ngôi nhà của 27 triệu chủ sở hữu; có 6 triệu con đường và địa điểm; tiến hành khai thác 2 triệu trích lục chứng thư và phát hành 20 triệu bản thông báo thuế/năm và đang hoạt động trơn chu, cập nhật những công nghệ kỹ thuật và mô hình quản trị tân tiến nhất. Thuế đất đai và BĐS đóng góp 30% ngân sách địa phương (TS. Stephane Lavigne). Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, việc đất bị sử dụng lãng phí, không hiệu quả do thuế sử dụng đất đang ở mức quá thấp (0,03%). Ở các nước, thuế bất động sản phải tối thiểu từ 1% trở lên và họ dùng tiền thuế thu được này để xây dựng hạ tầng, làm dịch vụ công cộng. Tất cả các quốc gia hàng trăm năm qua đã thu lại hàng trăm tỷ USD để để bổ sung nguồn lực công cộng thay vì bị lãng phí hay phân tán cho các nhóm lợi ích. |
Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội