Nhu cầu bức thiết

Theo Tổng cục Du lịch, trong 2 năm (2020, 2021), các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng. Chính vì thế, từng bước khôi phục du lịch theo Nghị quyết 128 là điều rất quan trọng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này. 

Phát biểu tại Toạ đàm "Du lịch xanh trong bối cảnh mới", ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, trong bối cảnh cả nước tthích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngành du lịch đang tích cực tái khởi động du lịch nội địa và triển khai đón khách du lịch quốc tế tới một số địa phương, tiến tới mở cửa hoàn toàn du lịch, đón khách quốc tế trở lại.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khôi phục hoạt động du lịch là nhu cầu bức thiết nhất, phải vừa đảm bảo an toàn, vừa hấp dẫn. Hiện các doanh nghiệp đều quyết tâm khôi phục lại doanh nghiệp của mình

"Chúng ta không có biện pháp khôi phuc thì sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại nên càng khôi phục sớm thì càng tốt. Để an toàn, chúng ta cần tiêm chủng vắc xin và Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng rất nhanh trong khu vực.

Sau khi tiêm vắc xin, chúng ta cần có kế hoạch phục hồi, cần thực hiện du lịch theo nguyên tác 5k. Tiếp theo là ứng dụng công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, giao dịch... Cuối cùng là yếu tố truyền thông để mọi người luôn ý thức đảm bảo an toàn, là công cụ giúp chúng ta đánh tan rào cản lo ngại khi đi du lịch", ông nói.

{keywords}
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Với yếu tố an toàn, Chính phủ có Nghị quyết 128. Trên tinh thần Nghị quyết, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra Hướng dẫn tạm thời số 3862 về thích ứng an toàn, linh hoạt trong thể thao, du lịch.

Theo hướng dẫn tạm thời này, với hoạt động du lịch cấp độ 4 (tức là vùng màu đỏ), hoạt động du lịch vẫn diễn ra, chỉ không đi tour. Nhà hàng trong khách sạn vẫn được tổ chức, chỉ giảm công suất hoạt động xuống 30%. Tiếp theo, các doanh nghiệp, địa phương cần tạo ra sản phẩm hấp dẫn, đa dạng hóa, đáp ứng xu hướng mới của thị trường.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã thay đổi hoàn toàn tình thế so với những diễn biến dịch trước đó. Ngành du lịch phải chuyển hướng vừa làm, vừa khắc phục: thích ứng an toàn, linh hoạt...

Theo đó, du lịch là ngành đầu tiên ứng dụng thành công chỉ đạo Nghị quyết Chính phủ với sự kỳ vọng lớn. Các sản phẩm cần sáng tạo và linh hoạt, làm các tour du lịch phải kèm theo điều kiện bảo vệ du khách, người dân. Sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp cũng là cần thiết, quyết định đến yếu tố khôi phục thành công ngành.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng lưu ý, điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của mọi người, không quá lo sợ Covid-19 mà dừng việc khôi phục và phát triển. "Cần khôi phục nhanh nhất hoạt động du lịch, vì đây là đầu tàu để lôi kéo các ngành. Tất nhiên có những khó khăn nhưng cần sự nỗ lực, tích cực tận dụng mọi yếu tố để phát triển, đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường mới", ông Bình khẳng định.

Đề xuất hướng khôi phục lại du lịch, ông Bình cho rằng, doanh nghiệp nào đảm bảo đủ điều kiện sẽ cho hoạt động và, tùy theo vùng xanh - vàng để tổ chức. Du khách sẽ từ vùng xanh tới vùng xanh, đi trên con đường xanh.

"Những địa phương nào muốn trở lại du lịch sớm, chúng ta phải làm mạnh mẽ, phải chia vùng. Vấn đề quyết định là địa phương đưa ra giải pháp cụ thể, khả thi còn các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống Covid-19 từ địa phương", ông Bình chia sẻ.

{keywords}
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam.

Kích cầu du lịch

Từ tháng 9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch định hướng các địa phương triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022. Trong đó tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch và Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Tháng 10/2021, Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp trực tuyến với 25 địa phương trọng điểm về du lịch bàn về tái khởi động hoạt động du lịch; họp trực tuyến với Bộ Ngoại giao và các đại sứ, lãnh đạo của 15 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các thị trường du lịch trọng điểm để phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch tới khách quốc tế trọng điểm; làm việc với các hãng hàng không, lữ hành hàng đầu Việt Nam nhằm bàn giải pháp kết nối, khai thác thị trường, chuẩn bị từng bước mở cửa thị trường khách quốc tế.

Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 và 2022, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng khai thác thị trường du lịch nội địa; đặt yếu tố du lịch an toàn lên hàng đầu, đồng thời mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng, khó quên.

"Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cùng các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị thật tốt để mở cửa du lịch quốc tế theo lộ trình, tiến tới phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh bình thường mới. Chúng tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Bình Định đã chính thức đề xuất được cùng một số địa phương tiên phong đón khách quốc tế trong giai đoạn thí điểm", ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Cũng theo ông, để mục tiêu tái khởi động du lịch thực hiện thành công đòi hỏi toàn ngành du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ và có kế hoạch hành động cụ thể từ Trung ương tới địa phương, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các hiệp hội, doanh nghiệp.

Trần Thường