Tại tọa đàm “Bức tranh nông thôn sau 10 năm đổi mới” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 8/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết, những năm qua, Nam Định luôn xác định mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, liên tục và không có điểm dừng.
Cùng với Đồng Nai, Nam Định là một trong hai địa phương dẫn đầu toàn quốc về phong trào xây dựng NTM. |
Kết cấu hạ tầng nông thôn tại Nam Định cũng đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp tương đối đồng bộ, góp phần phục vụ tốt cho sản xuất và phòng chống thiên tai. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng đã có những bước phát triển mới. Thu nhập người dân nông thôn so với năm 2010 tăng gấp 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo tính đến tháng 6/2019 còn dưới 2%; các giá trị văn hóa truyền thống đã được bảo tồn, phát huy; phong trào văn hoá, văn nghệ được phát triển.
Đến hết năm 2018, Nam Định có 100% số xã, thị trấn đạt tiêu chí NTM. Đến hết tháng 7/2018, 100% số huyện, thành phố đã được Trung ương công nhận đạt tiêu chí NTM cấp huyện. Nam Định đã về đích sớm hơn so với mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 của tỉnh đặt ra (sớm hơn 1,5 năm). Cùng với Đồng Nai, Nam Định là một trong hai địa phương dẫn đầu toàn quốc về phong trào xây dựng NTM.
“Mạnh Thường Quân”
Đúc kết từ thực tế, ông Nguyễn Tiến Sinh bộc bạch, thành tích như ngày hôm nay có được thì sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội, công tác tuyên truyền rất quan trọng. Thông qua tuyên truyền, người dân hiểu được ý nghĩa của NTM, hiểu được chủ thể là mình, hiểu được thành quả và cùng đồng thuận.
Nhờ vận động sự tham gia của các doanh nghiệp, của những người con quê hương Nam Định có điều kiện; đặc biệt xác định người dân đóng vai trò chủ thể, người dân và doanh nghiệp là người hưởng lợi…
Chương trình NTM của Nam Định khi tổng kết đã đưa ra phương châm: Dân cần, dân biết, dân bàn, dân giám sát và dân thụ hưởng. Khi nhân dân hiểu, họ sẵn sàng góp tiền của, công sức.
Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM vừa qua, tổng số nguồn lực xây dựng NTM của Nam Định là trên 22.000 tỷ đồng. Nguồn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 26,3%, còn lại là các nguồn lực khác như vốn tín dụng để phát triển kinh tế-xã hội, vốn người dân đóng góp, vốn huy động của các “Mạnh Thường Quân”.
Nhờ đó, Nam Định mới hoàn thành và đạt được những kết quả như ngày hôm nay.
Chuyển theo hướng vừa phục vụ tiêu dùng, vừa sản xuất lớn
Vì trên 70% dân số của Nam Định vẫn sống ở nông thôn nên trong giai đoạn tới, tỉnh vẫn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Chính vì vậy, mục tiêu tổng quát, cốt lõi cũng như đặc trưng của Nam Định trong thời gian tới là phấn đấu xây dựng nông thôn Nam Định có kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại và kết nối đồng bộ với đô thị; kinh tế phát triển, người dân có thu nhập ổn định; có môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp và xã hội văn minh.
Trước đây, sản xuất nông nghiệp của Nam Định chủ yếu theo hướng phục vụ tiêu dùng là chính, tự cung tự cấp là chính. Nhưng theo ông Sinh, những năm gần đây, Nam Định đang chuyển hướng dần theo hướng vừa phục vụ tiêu dùng, vừa sản xuất lớn để làm hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, bảo đảm chất lượng, phục vụ tốt sản xuất và người tiêu dùng.
Về mục tiêu phấn đấu cụ thể của Nam Định thời gian tới, là phấn đấu đến năm 2020 có 25% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có ít nhất 10 mô hình NTM kiểu mẫu ở xã, thôn.
Mục tiêu đến năm 2025 có 70% số xã, thị trấn đạt NTM nâng cao, trong đó có 20% số xã, thị trấn đạt NTM kiểu mẫu và có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và riêng huyện Hải Hậu sẽ về đích NTM kiểu mẫu.
Bài: Nguyễn Thị Thu Hằng - nhóm PV
Ảnh: Trần Minh Thúy - nhóm PV