- Cầm chiếc khăn bông trên tay - một mẫu giới thiệu sản phẩm do công ty dệt may Việt Nam tặng trong cuộc tiếp xúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở Hà Nội tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Hormats hết lời ca ngợi.


Ông khen chiếc khăn mềm, một sản phẩm thân thiện với môi trường, chính hiệu made in Vietnam và không nghi ngờ gì về khả năng xuất khẩu của nó ra thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Mỹ.

Dệt may đã là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, thành công nhất của Việt Nam vào thị trường Mỹ những năm qua. Nó là một phần đóng góp cho con số thương mại song phương đầy ấn tượng.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Hormats nói với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Việt Nam cần tìm ra điều gì đã cản trở FDI
Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương có hiệu lực tháng 12/2001, thương mại hai chiều đã tăng từ 1 tỷ USD lên gần 22 tỷ USD vào năm ngoái, kim ngạch thương mại tăng 17% trong năm 2011 so với 2010.

Song câu chuyện ngài Thứ trưởng phụ trách Môi trường, năng lượng và phát triển kinh tế của Mỹ quan tâm trong chuyến thăm Việt Nam tuần này, đó là cách thức nào để FDI của Mỹ vào Việt Nam nhiều hơn, doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư hoạt động tại Việt Nam ngày một tốt hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 12/2011, Mỹ có 601 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt 11,654 tỷ USD và xếp thứ 6 trong số 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ là 19,39 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,49 triệu USD.

Hôm thứ tư, một ngày sau khi rời đoàn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm chính thức Việt Nam, Thứ trưởng Robert Hormats đi tham quan nhà máy đóng chai thân thiện môi trường mới trị giá 73 triệu USD của PepsiCo Việt Nam ở Bắc Ninh.

Đây là một trong những nhà đầu tư Mỹ có hoạt động kinh doanh hiệu quả nổi bật ở thị trường Việt Nam. Trao đổi với Thứ trưởng Hormats, lãnh đạo nhà máy nói họ hài lòng về thủ tục hành chính ở Việt Nam.

“Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vậy. Nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề về thủ tục hành chính” - ông nói với báo giới ở Hà Nội.

Thứ trưởng Ngoại giao Robert Hormats cho rằng Việt Nam luôn mong muốn thu hút nhiều FDI phục vụ phát triển kinh tế nhưng một thực tế mà ông quan sát gần đây là số FDI vào Việt Nam đã giảm, không ấn tượng như trước, không chỉ là trong bối cảnh kinh tế rơi vào khó khăn.

“Mức FDI hiện nay khá thất vọng so với trước đây, không tương xứng với lực lượng lao động, sự năng động của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam có cơ hội thu hút FDI vì sự năng động của nền kinh tế, lẽ ra FDI phải tăng lên nhưng lại giảm đi. Việt Nam cần tìm ra điều gì đã cản trở FDI” - ông phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Thứ trưởng Robert Hormats cho hay một số nhà đầu tư Mỹ muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam nhưng gặp phải một số quy định không thuận lợi, không minh bạch. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn về thủ tục hành chính…Theo ông, đây là những nguyên nhân góp phần làm hạn chế FDI vào Việt Nam.

“Việt Nam cần tiến hành các biện pháp cải cách nhằm thu hút đầu tư của Mỹ và các nước, những cải cách kinh tế và sử dụng công nghệ, đặc biệt là dựa trên nền tảng Internet mở để doanh nghiệp hai nước trao đổi thông tin….” - ông nói tại VCCI.

Theo Thứ trưởng Mỹ, một trong những vấn đề Việt Nam phải làm là cải thiện hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó có việc cấp vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho lao động.

Bên cạnh đó là cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp Nhà nước. Điều này góp phần tạo dòng chảy thu hút những làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam.

Tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm chính thức Việt Nam tuần qua có đoàn 20 doanh nghiệp Mỹ. Ngay trong chuyến thăm, hai hợp đồng giữa các doanh nghiệp hai nước được ký kết.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Mỹ, đã bày tỏ kỳ vọng Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam và Mỹ là hai trong số các thành viên đàm phán sắp đi đến ký kết.

Ông cũng đồng thời nhấn mạnh kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ tiếp tục là "trọng tâm và động lực cho quan hệ song phương".

11 năm kể từ khi có Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, cơ hội đầu tư, thương mại cho cả hai phía đứng trước giai đoạn bước ngoặt lịch sử, trước ngưỡng cửa TPP.
 
Linh Thư