Nhật thực "lai" là hiện tượng cực hiếm, chỉ xảy ra khoảng 4,8% tổng số lần nhật thực, theo Viện Nghiên cứu khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE).
Trưa nay, 20/4, người dân khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương... đã có cơ hội chứng kiến hiện tượng này. Tuy nhiên, nếu quan sát trực tiếp bằng mắt thường, người xem sẽ không thấy rõ hiện tượng và mắt có nguy cơ bị tổn hại do các tia bức xạ từ mặt trời.
Thay vào đó, các công cụ chuyên dụng như kính thiên văn sẽ giúp cung cấp hình ảnh rõ ràng và sắc nét hơn.
Theo chuyên trang Thế giới Thiên văn, nhật thực lai là hiện tượng thiên văn thông thường, tuy nhiên, vùng quan sát được là một dãy hẹp không phải nơi nào trên thế giới cũng thấy được nên đây vẫn là sự kiện được nhiều người yêu thiên văn mong đợi.
Lần này, chỉ có các tỉnh phía Nam Việt Nam mới có thể quan sát được với độ che khuất chỉ dưới 8%. Ngoài ra, người dân trên quần đảo Trường Sa (Việt Nam) có thể quan sát được với độ che phủ lên tới khoảng 20%. Đây là xu hướng chung của nhật thực "lai" lần này, khi vùng nhìn thấy được pha nhật thực hình khuyên và toàn phần rất hẹp, đa phần trên biển.
Nếu bỏ lỡ, người dân sẽ phải đợi đến tháng 8/2027 mới được quan sát hiện tượng này.
Nhật thực là hiện tượng Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời, cản một phần ánh sáng đi từ Mặt Trời tới Trái Đất và khiến Mặt Trời bị Mặt Trăng che mất một phần hoặc toàn phần. Nhật thực "lai" (hybrid solar eclipse) là một loại nhật thực “lai” giữa nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên. Khi nhật thực "lai" xảy ra, một số vùng trên Trái Đất sẽ quan sát được pha toàn phần, một số vùng khác sẽ quan sát được pha hình khuyên, một số nơi khác chỉ thấy được pha một phần. |
Tử Huy