Không chỉ TikTok, một chiến dịch như “Tin” rất cần được triển khai đồng bộ trên nhiều nền tảng khác nhau, kể cả Zalo hay YouTube.
Chiến dịch “Tin” được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) phối hợp cùng các đơn vị tổ chức từ tháng 9 đến tháng 11 vừa qua, với mục tiêu cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng chống tin giả, tin xấu độc trên mạng.
Dưới đây là chia sẻ của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Bros với báo VietNamNet khi trao đổi về vấn đề tin giả trên mạng hiện nay.
Là một người rất tích cực trong hoạt động phòng chống tin giả (fake news) trên mạng, ông đánh giá thế nào về tình hình tin giả hiện nay?
Mặc dù ý thức của người sử dụng Internet về tin giả đã được nâng lên khá cao, hầu như mọi người đều biết đến nguy cơ tin giả và có ý thức đề phòng tin giả, nhưng trên thực tế, số lượng tin giả và người đọc, nghe theo tin giả vẫn không giảm bao nhiêu. Tin giả ngày nay rất tinh vi, cho nên, dẫu có ý thức đề phòng thì người dùng mạng vẫn có thể bị rơi vào ma trận đến mức không nhận ra được mình đã bị thao túng như thế nào.
Tin giả bây giờ thường dựa vào một vài yếu tố có thật, hoặc được coi là thật, căn cứ vào thông tin được xác định trên báo chí, nhưng được diễn giải, phân tích hoặc thêm thắt các yếu tố giả vào đó, khiến cho cộng đồng dễ bị nhầm lẫn và bị đánh lừa. Một điều nữa là, ngay khi một tin tức được chứng minh và xác nhận là giả, nhưng vẫn tồn tại trên Internet, nên sau một thời gian, người ta sẽ tưởng những thông tin này là thật.
Một vấn nạn khác, đang nổi lên, đó là loại nội dung chứa thông tin không phải là bịa đặt, nhưng được dẫn dắt, định hướng dư luận theo chiều hướng trái ngược với bản chất của thông tin. Loại này được gọi là misleading news (tin tức gây hiểu lầm) hay là false news (tin sai), cũng dẫn đến sự hỗn loạn thông tin.
Ông đánh giá thế nào về chiến dịch “Tin” của Bộ TT&TT phối hợp với các đơn vị tổ chức vừa qua?
Đây là một nỗ lực rất đáng khen ngợi nhằm làm cho giới trẻ nhận thức rõ ràng về nguy cơ, sự hiện diện và tác hại của tin giả (fake news). Sự hưởng ứng, tham gia bày tỏ thái độ và cảnh báo tin giả, cũng như sự quan tâm của cộng đồng TikTok chứng tỏ vấn đề chống tin giả đã đến được với giới trẻ. Sử dụng nền tảng TikTok là một sự đổi mới đối với cơ quan nhà nước và kết quả 5 tỷ lượt xem đã chứng minh là chiến dịch Anti Fake News đã đạt những hiệu quả nhất định.
Tuy vậy, như trên đã nói, nhận thức về tác hại của tin giả mới chỉ là bước đầu thôi. Chúng ta cần có những chương trình hành động rất cụ thể và thực tế để ngăn chặn tin giả lây lan, cảnh báo cho người đọc tin nào là tin giả.
Việc chiến dịch “Tin” chỉ triển khai chính trên TikTok theo ông đã đủ chưa, bởi thực tế trên các mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là Facebook, tin giả được lan truyền rất nhiều?
Những người bị ảnh hưởng bởi tin giả, dễ bị thao túng bởi tin giả thường là người tương đối lớn tuổi. TikTok là một nền tảng truyền thông hướng đến người trẻ. Mặc dù độ tuổi tham gia TikTok đã thay đổi, đã có nhiều thế hệ lớn tuổi hơn cũng tham gia TikTok, nhưng chúng ta dễ dàng thừa nhận một điều là, tin giả lan truyền trên các nền tảng khác nhiều hơn, đánh vào đối tượng dễ bị tổn thương hơn.
Đúng là Facebook có nhiều tin giả, bởi vì nội dung vừa có video, vừa có ảnh và chữ viết. Thủ đoạn tung tin giả có thể sử dụng tất cả các hình thức trên, nhưng dẫn dụ sai lệch thông tin, thao túng tâm lý thường là chữ viết. Vì vậy, một chiến dịch như “Tin” rất cần được triển khai đồng bộ trên nhiều nền tảng khác nhau, kể cả Zalo hay YouTube. Tất nhiên, do bản chất truyền dẫn thông tin và hình thức nội dung mỗi nền tảng khác nhau nên cách làm trên mỗi nền tảng cũng phải khác.
Hiện mức phạt dành cho các cá nhân đưa tin giả, tin không đúng sự thật trên mạng xã hội chỉ 5-7 triệu đồng, theo ông có đang quá nhẹ?
Tôi đã nhiều lần phát biểu về mức phạt này trên nhiều diễn đàn khác nhau, kể cả những diễn đàn chính thức của các cơ quan quản lý nhà nước. Mức phạt này chỉ có tính răn đe đối với những người vô tình lan truyền tin giả, vô tình tiếp tay cho tin giả, hoặc những người tung tin giả lặt vặt, gây ảnh hưởng không lớn. Nhưng nó không có ý nghĩa gì đối với những người cố tình muốn thao túng tâm lý, trục lợi hay âm mưu trục lợi từ tin giả, tin dẫn dắt sai lệch. Mức phạt kiểu hành chính này không hề làm cho loại nguồn tin giả này giảm bớt hành vi, mà ngược lại, còn gián tiếp cho họ động cơ tiếp tục phát tán tin giả.
Một điều nữa là, mức phạt này có ý nghĩa với những người không có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, không cố tình kiếm lợi từ tin giả, nhưng nó thực sự vô nghĩa với những người có ảnh hưởng lớn, những KOL, những người dù muốn dù không cũng sẽ thu hút lượng người theo dõi (followers) lớn nhờ tin giả.
Mức phạt phải dựa vào hậu quả mà người lan truyền, tung tin giả gây ra. Nhiều người cho là khó thực hiện theo phương án này, nhưng tôi tin, với công nghệ hiện đại bây giờ, tính toán mức độ ảnh hưởng một nguồn tin giả, một bản tin giả không phải là khó.
Để phòng, chống và hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên mạng, theo ông, chúng ta phải làm gì trong thời gian tới?
Trong thời kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, mỗi thông tin sai lệch từ ông Donald Trump đều bị Facebook hay Twitter (nay là X) dán nhãn tin giả. Đó là một động thái rất hay, rất rõ ràng, cảnh báo ngay cho người đọc. Một số tờ báo lớn (như New York Times), hay hãng thông tấn (như AFP) có trang fact-check, kiểm tra xem tin nào là giả, tin nào là thật, và họ công khai các tin giả, với phân tích rõ ràng cho người đọc. Việc vận động xã hội để người dân cảnh giác với tin giả, không chủ động phát tán tin giả là quan trọng và rất tốt. Nhưng nhận diện đâu là tin giả, ngăn chặn tin giả đó phát tán, còn quan trọng hơn.
Có 4 giải pháp cần làm đồng bộ: Một là, sử dụng công nghệ dán nhãn tin giả trên các nội dung có nghi ngờ hoặc đã xác định là tin giả trên các nền tảng mạng xã hội. Các ISP cũng có thể dán nhãn tin giả, cảnh báo các website, các nguồn tin hay phát tán tin giả. Các cơ quan chức năng phối hợp với các mạng xã hội khoá tài khoản, hoặc hạn chế tương tác với các tài khoản hay tung tin giả, sau vài lần cảnh cáo, dán nhãn. Cơ quan chức trách cũng có thể đầu tư hệ thống social listening để quét tin giả và cảnh báo tin giả cho người dùng.
Thứ hai, xây dựng hệ thống báo cáo tin giả một cách dễ dàng và thuận tiện, để cộng đồng, người dùng Internet có thể tham gia phát hiện tin giả hoặc nguồn phát tán tin giả. Khuyến khích người dùng tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng.
Thứ ba, xây dựng lại chính sách xử phạt hành chính đối với những nguồn tin giả, tin sai lệch, theo đề xuất ở trên, trong đó tính toán gia tăng hình phạt đối với các nguồn tin có ảnh hưởng lớn hoặc tái phạm nhiều lần. Củng cố hệ thống thực thi công vụ, sử dụng trí tuệ nhân tạo, phối hợp với các nhà mạng, để xử phạt rốt ráo các tài khoản cố tình tung tin giả, thay vì thụ động chờ xử lý một vài trường hợp cụ thể.
Thứ tư, tăng cường giáo dục nhận thức, hỗ trợ kiến thức cho người dùng biết cách nhận diện, chủ động phòng tránh và lên án tin giả. Đồng thời, giới thiệu và định hướng người đọc tìm đến các nguồn tin đáng tin cậy và các trang fact-check để người dùng tự so sánh, đối chiếu tin thật với tin giả.
Xin cảm ơn ông!
Qua 2 tháng, Chiến dịch “Tin” nhận được sự quan tâm lớn từ các cơ quan báo chí, truyền thông và đông đảo công chúng, giúp công chúng có thêm hiểu biết, nâng cao ý thức trong việc phòng chống và hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên Internet. Website chính thức của chương trình cũng thu hút gần 50.000 lượt truy cập trong vòng 1 tháng.
Cuộc thi sáng tạo nội dung Anti Fake News trong khuôn khổ chiến dịch đã thu hút hơn 50 bài dự thi, thu về hơn 130 triệu lượt xem sau gần 1 tháng triển khai. Bên cạnh các video dự thi, có hơn 100 video cũng tham gia đưa tin về chương trình, với số lượt xem lên tới gần 280 triệu lượt. Đặc biệt, thông điệp Anti Fake News đã được rất nhiều nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng thông qua việc đặt hashtag trên bài đăng. Đến ngày 20/11 đã có gần 1,5 triệu video gắn hashtag Anti Fake News trên nền tảng TikTok, đạt số lượt xem lên đến hơn 5 tỷ lượt.