-Tháng 6/2010 Chính phủ phê duyệt đề án 10 năm tới, đào tạo xong 20.000 tiến sĩ. Tháng 12/ 2011, Bộ GD-ĐT trình quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành, trong đó đáng chú ý có mục tiêu cũng tới  năm 2020 sẽ “cán đích” 29.000 giảng viên là tiến sĩ ở các trường đại học. Những con số mục tiêu giàu tham vọng này đang khiến các trường xôn xao vì…khó.

TIN LIÊN QUAN:

Chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước vẫn còn bất cập khiến nhiều giảng viên ngại làm nghiên cứu sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch/Thanh Niên

8 năm nữa, đại học Việt cần 29.000 tiến sĩ

Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội (tháng 9/2011) cho thấy, cả nước hiện có 440 cơ sở GD ĐH, trong đó 304 trường thành lập mới hoặc nâng cấp lên từ năm 1998.

Ngành giáo dục đặt mục tiêu đến năm 2015 có 70% giảng viên ĐH là thạc sĩ, 30% là tiến sĩ. Trả lời chất vấn trước Quốc hội hồi tháng 11/2011, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, tỷ lệ có trình độ tiến sỹ trở lên toàn ngành hiện nay là 14%, thạc sỹ 35%.

Có đến hơn 50% giảng viên mới tốt nghiệp ĐH đang dạy ĐH - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai cho rằng đó là vấn đề “không ổn, cần khắc phục”.

Làm thế nào nâng cao chất lượng đại học trong khi hơn 50% giảng viên ĐH chỉ có trình độ ĐH?

Tháng 6/2010, Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu trong 10 năm, từ năm 2010-2020, khoảng 10.000 tiến sĩ sẽ được đào tạo tại các trường đại học có uy tín trên thế giới và khoảng 10.000 tiến sĩ được đào tạo ở trong nước. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.

Khắc phục tình trạng "xôi chấm xôi", phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2009 - 2010 - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, mỗi trường phải tự rà soát lại mình, tìm ra ít nhất một chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của thực tiễn; một ngành mũi nhọn trọng tâm để xây dựng thương hiệu tiến tới kế hoạch quốc tế hóa ĐH.

Tiếp đó, ngành giáo dục đặt điều kiện với các trường, khi mở ngành mới thì ngành phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ. Không đạt chuẩn sẽ bị đình chỉ tuyển sinh. Cuối năm 2011, Bộ GD-ĐT đã “ra tay”, với quyết định đình chỉ tuyển sinh 12 ngành của 4 trường ĐH không đủ điều kiên.

Song song với "đề án 20.000 tiến sĩ" - Bộ vừa ban hành quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục giao đoạn 2011-2020.

Theo đó, ngành giáo dục phấn đấu, đến năm học 2019-2020, bậc CĐ nhu cầu GV có trình độ thạc sĩ khoảng 27.000 người (60%), trình độ tiến sĩ khoảng 3.500 người (8%); bậc ĐH nhu cầu GV có trình độ thạc sĩ khoảng 58.000 người (70%), trình độ tiến sĩ khoảng 29.000 người (30%).

Khó cán đích 30% tiến sĩ?

GS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân vân, chỉ tiêu 29.000 tiến sĩ không phải bàn nhiều vì chủ trương đã ban hành các trường phải triển khai. Tuy nhiên nâng tỷ lệ đạt 30% giảng viên trình độ tiến sĩ là bài toán các trường phải phấn đấu cận lực cũng khó đạt.

GS -TS Nguyễn Quang Dong, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu thực tế, Nhà nước rất quan tâm đến việc tạo nguồn giảng viên có chất lượng cho các trường ĐH.Tuy nhiên, cả nguồn đưa giảng viên ra nước ngoài đào tạo tiến sĩ và đào tạo trong nước đều gặp khó: giảng viên đủ điều kiện cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hàng năm rất ít, còn đào tạo trong nước thì ít người đăng ký.

Với nguồn đào tạo “tiến sĩ nội”, có một thực tế phổ biến: các trường đào tạo không hết chỉ tiêu.

Như ở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, từ năm 2008 đến năm 2010, mỗi năm chỉ có 10 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ nhưng không năm nào tuyển đủ, trung bình chỉ có 5-6 người. Đến năm 2011, trường xét tuyển chứ không thi tuyển như trước nên mới đủ chỉ tiêu.

Các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM cũng không nằm ngoài thực trạng này. Năm 2008 Trường ĐH Bách khoa có 20 chỉ tiêu nhưng đăng ký dự tuyển là 16 và chỉ có 7 trúng tuyển, năm 2010 tuyển được 22/30 chỉ tiêu. Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên liên tiếp mấy năm gần đây số nghiên cứu sinh tuyển được khoảng 1/3 - 1/2 so với chỉ tiêu. Trường ĐH Kinh tế - Luật năm 2008 tuyển được 6/10 chỉ tiêu, năm 2009 được 8/12 chỉ tiêu và năm 2010 cũng chỉ tuyển được 6/12 chỉ tiêu…

Lý do giảng viên chê làm tiến sĩ trong nước, theo phân tích của GS Dong là do không có học bổng học. Còn kinh phí nhà nước cấp không thấm vào đâu (đào tạo tiến sĩ trong nước là 1,05 triệu đồng mỗi tháng). Trong khi đó, người đi học thường chỉ nhận chế độ cho “ cắt giảm giờ giảng, nhận lương theo quy định nhà nước”.

Để cải thiện tình trạng này, theo ông cần tăng chi phí đào tạo cho tiến sĩ trong nước. Một thay đổi quan trọng khác, cũng cần chuyển phương thức từ đào tạo tại chức sang chính quy.

Một vấn đề “tế nhị” nhưng không kém phần quan trọng, theo nhìn nhận của GS Nguyễn Thiện Tống,Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, đó là số trường đào tạo tiến sĩ trong nước có chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay; phần nhiều chương trình đào tạo ở các trường chưa đi vào thực chất, còn cả nể.

"Có nhiều nghiên cứu sinh không đạt nhưng hội đồng vẫn cho qua theo kiểu xí xóa. Đào tạo tiến sĩ trong nước hiện còn nửa vời, chưa đúng mức và chủ yếu chạy theo bằng cấp, danh hiệu là chính" - ông chia sẻ.

Còn với các ứng viên “tiến sĩ ngoại”, để cử một người đi học tiến sĩ ở nước ngoài cần phải giỏi cả chuyên môn và ngoại ngữ.Chưa kể, đi học về, xuất hiện tình trạng: làm trong trường đủ năm để “trả nợ giao kèo đào tạo”, sau đó nhảy ra ngoài.

Ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khi tuyển đầu vào, giảng viên phải có tiếng Anh đạt 500 TOFEL, nhưng cũng phải mất khoảng 3 năm bồi dưỡng nữa mới cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài diện 322 được.

Ở tổng thể, có thể nhìn Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 322) để tiên liệu tính khả thi.

Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Vang cho biết, sau 10 năm thực hiện đề án, đã có 4.590 người ra nước ngoài học; trong đó, có 2.268 tiến sĩ.

"Đã có 3.017 người về nước, trong đó có 1.074 tiến sĩ", ông Vang cho biết. Như vậy mỗi năm, số giảng viên nhận bằng tiến sĩ có trên 100 người.

Nhìn nhận toàn cục, GS Nguyễn Quang Dong đưa giải pháp, vấn đề sử dụng cán bộ không nên chạy theo bằng cấp. Nếu công tác đề bạt cán bộ theo bằng cấp thì cả xã hội đi học và đi học không đúng chuyên ngành dẫn đến lãng phí, không đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần xem xét chế độ đãi ngộ phù hợp cho giảng viên đã được nâng chuẩn, ông Dong đề xuất.

Hiện nay, các trường đang phải đối mặt với việc khan hiếm giảng viên chất lượng cao.

Những giảng viên có năng lực thực sự thì thường được các công ty, doanh nghiệp thu hút hết. Năm nào, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng phải đối mặt với hiện tượng giảng viên nhảy việc. Chưa kể những giảng viên đi theo diện 322 sau 10 năm vẫn chưa về. “Không phải họ không hoàn thành nhiệm vụ mà xin gia hạn ở lại học và nghiên cứu tiếp nên trường đành phải chịu”, ông chia sẻ.
•         Kiều Oanh