Chiến lược phát triển thống kê ASEAN đầu tiên được Thủ trưởng các Cơ quan Thống kê ASEAN (AHSOM) thông qua năm 2011. AHSOM sau đó được tái cơ cấu thành Ủy ban Thống kê Cộng đồng ASEAN (Ủy ban ACSS). Chiến lược phát triển thống kê ASEAN giai đoạn 2011 - 2015 là cơ sở xây dựng kế hoạch công tác hàng năm từ năm 2011 và các năm tiếp theo.

Chiến lược phát triển thống kê ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 được Cơ quan Thống kê Phi-lip-pin cùng với Cơ quan Thống kê Bru-nây và Bộ phận Thống kê ASEAN (ASEANstats) dự thảo dựa trên đánh giá giữa kỳ thực hiện Chiến lược phát triển thống kê ASEAN giai đoạn 2011 - 2015, các ý kiến đóng góp tại các kỳ họp khác nhau của Ban Thư ký ASEAN. Chiến lược phát triển thống kê ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 được thông qua tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban ACSS tại Nay Pyi Taw, Mi-an-ma từ ngày 14 - 16 tháng 11 năm 2014.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Tại kỳ họp lần thứ 6 của Ủy ban Tổng hợp Cộng đồng Kinh tế ASEAN diễn ra ngày 22 tháng 1 năm 2015, Chủ tịch Nhóm chuyên trách cấp cao - Nhóm công tác về tổng hợp kinh tế đã yêu cầu toàn bộ các kế hoạch hành động phải đảm bảo giai đoạn 10 năm (2016 - 2025).

Theo đó, Chiến lược phát triển thống kê ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 đã được rà soát, sửa đổi thành Chiến lược phát triển thống kê ASEAN giai đoạn 2016 - 2025, có tính đến các sáng kiến phát triển toàn cầu và những ưu tiên của thống kê khu vực. Chiến lược phát triển thống kê ASEAN giai đoạn 2016 - 2025 được Ủy ban ACSS thông qua tại kỳ họp lần thứ 5 tại Cyberjaya, Ma-lai-xi-a, từ ngày 3 - 5 tháng 11 năm 2015.

Mục tiêu

Chiến lược phát triển thống kê ASEAN giai đoạn 2016 - 2025 là kim chỉ nam cho việc thực hiện hiệu quả công tác điều phối, sản xuất, hài hòa, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê ASEAN.

Chiến lược đặt ra những ưu tiên để đáp ứng nhu cầu thông tin hỗ trợ quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, giám sát hội nhập, đáp ứng và hỗ trợ nhu cầu xây dựng năng lực của các quốc gia thành viên ASEAN, đồng thời góp phần phát triển thống kê ở cấp khu vực và toàn cầu.

Những nhu cầu này sẽ được cân đối với các nguồn lực hiện có ở cấp quốc gia và khu vực nhằm cung cấp số liệu thống kê theo yêu cầu cũng như giảm gánh nặng cho người trả lời và các chi phí liên quan.

Mục tiêu chính của Chiến lược phát triển thống kê ASEAN giai đoạn 2016 - 2025 là tiếp tục tăng cường các cơ chế và hệ thống đã được xây dựng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển thống kê giai đoạn 2011 - 2015 nhằm đảm bảo cung cấp thông tin thống kê đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin và xây dựng năng lực bền vững cho các quốc gia thành viên ASEAN.

Các nội dung chính

(1) Tăng cường thể chế, nâng tầm ACSS và tính bền vững của tổ chức này

Trong nội dung này, Chiến lược xác định các hoạt động cụ thể sau:

- Công nhận Ủy ban ACSS là cơ quan cấp cao nhất trong khu vực về thống kê, là cơ quan hoạch định chính sách và điều phối cao nhất về thống kê của ASEAN.

- Xây dựng đối tác và đối thoại chặt chẽ giữa các cơ quan sản xuất số liệu, ACSS và người dùng tin trong các cơ quan của ASEAN;

- Tăng cường điều phối giữa các cơ quan sản xuất số liệu;

- Công nhận ASEANstats là bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của Ủy ban ACSS, bộ phận đầu mối và điều phối của khu vực;

- Xây dựng Chiến lược phát triển thống kê quốc gia dựa trên chiến lược phát triển thống kê khu vực;

- Tăng cường tuyên truyền để thu hút sự hỗ trợ và đầu tư lớn hơn cho thống kê;

- Hình thành thêm các cơ chế giúp ACSS giám sát chất lượng và tiến độ triển khai các hoạt động.

(2) Đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng về số liệu thống kê ASEAN

- Cải thiện tính sẵn có, tính kịp thời và khả năng so sánh của các số liệu thống kê khu vực ASEAN, gồm thống kê thương mại quốc tế về hàng hóa, thống kê thương mại quốc tế về dịch vụ, vốn đầu tư và các chỉ tiêu SDGs.

- Mở rộng phạm vi hợp tác khu vực nhằm đáp ứng tốt hơn những sáng kiến mới của ASEAN như giám sát tiến trình hội nhập ASEAN, Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), các mục tiêu phát triển trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và những sáng kiến khác của các tổ chức thống kê quốc tế.

(3) Tăng cường công tác phổ biến, truyền thông, sự hiện hữu và sử dụng số liệu thống kê ASEAN

- Tăng cường và củng cố cơ sở dữ liệu thống kê ASEAN hướng tới hình thành một cơ sở dữ liệu thống kê ASEAN tích hợp dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông;

- Tăng cường khả năng tiếp cận số liệu thống kê ASEAN và chia sẻ dữ liệu tổng hợp, tuân thủ tính bảo mật và an ninh dữ liệu;

- Đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin thống kê;

- Đẩy mạnh sự hiện diện của số liệu thống kê ASEAN và nâng cao nhận thức về thống kê;

- Hỗ trợ thống kê cho các cơ quan của ASEAN.

(4) Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên

- Cung cấp hỗ trợ đặc biệt cho các nước CLMV dưới hình thức đào tạo và chuyển giao kiến thức nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển;

- Triển khai thực hiện cơ chế ASEAN giúp ASEAN, kể cả dưới hình thức hợp tác song phương.

Tầm nhìn và sứ mệnh

Tầm nhìn:

“Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN đáp ứng kịp thời yêu cầu số liệu thống kê với chất lượng cao”.

Sứ mệnh:

Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN sẽ cung cấp số liệu thống kê ASEAN phù hợp, kịp thời và có thể so sánh nhằm phục vụ công tác xây dựng chính sách và ra quyết định dựa vào bằng chứng cũng như nâng cao năng lực thống kê của các quốc gia thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.

Giá trị và nguyên tắc:

1. Tính phù hợp

2. Cam kết chất lượng

3. Tính chuyên nghiệp

4. Tính trung thực

5. Hướng đến tương lai

6. Làm việc theo nhóm

7. Có khả năng giải trình

8. Hiệu quả về mặt chi phí

Thủy Nguyễn