Nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng điện năng của người dân cũng theo đó tăng lên khoảng 8%/năm. Do đó, yêu cầu về tài chính của ngành điện là rất lớn. Riêng từ năm 2010 trở lại đây, Việt Nam đã đầu tư hơn 80 tỷ USD vào sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Dự kiến, từ nay đến năm 2030 cần thêm gần 150 tỷ USD cho phát triển năng lượng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

{keywords}
Chiến lược phù hợp để phát triển năng lượng tái tạo

Phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 có xét đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐTTg ngày 25/11/2015, tỷ lệ điện sản xuất từ năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện lớn và nhỏ) trong tổng điện năng sản xuất của quốc gia phải đạt 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050.

Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì dự kiến các nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, và điện sinh khối) sẽ chiếm 21% tổng công suất nguồn điện của quốc gia vào năm 2030. Và trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị có quy định tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045.

Theo quy ước chung trong lĩnh vực năng lượng, các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện; sinh khối; điện mặt trời; điện gió; điện địa nhiệt; điện thủy triều; điện sóng biển, v.v... trong đó thủy điện và sinh khối được coi là nguồn năng lượng tái tạo truyền thống trong khi các loại hình còn lại được coi là nguồn năng lượng tái tạo mới.

Cùng với yếu tố thúc đẩy quan trọng đó là công nghệ phát triển khiến giá thành sản xuất thiết bị đang giảm rất nhanh, nguồn năng lượng tái tạo đã có sự tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam. Năm 2019 và năm 2020 ghi nhận sự phát triển mạnh loại hình điện mặt trời cả dạng trang trại quy mô lớn lẫn mái nhà quy mô nhỏ. Chỉ riêng trong năm 2020 đã có khoảng 12,000 MW điện mặt trời được đưa vào vận hành. Loại hình thủy điện nhỏ vẫn có sự tăng trưởng đều qua các năm trong khi điện sinh khối chưa có nhiều biến động. Điện gió mặc dù hiện chưa chiếm tỷ lệ cao nhưng dự kiến trong năm 2021 sẽ là động lực chính cho sự gia tăng của các nguồn năng lượng tái tạo với rất nhiều dự án sẽ vào vận hành giai đoạn nửa cuối năm theo quy hoạch.

Tính đến đầu năm 2021, trong cơ cấu tổng nguồn quốc gia, điện mặt trời dạng trang trại chiếm khoảng 12.6%, điện mặt trời mái nhà chiếm 11.7%, thủy điện nhỏ chiếm khoảng 6.2%, điện sinh khối và điện gió chiếm khoảng dưới 1%. Tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam khoảng xấp xỉ 21240 MW.

Về phân bố, điện mặt trời chủ yếu nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam trong đó Ninh Thuận và Bình thuận là nơi tập trung nhiều nhất các nhà máy điện lớn trong khi Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Gia Lai, Đăk Lắk là nơi có số lượng lớn các hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt. Điện gió tập trung chủ yếu ở miền Nam (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bến Tre…) và một số địa phương ở miền Trung (khu vực Tây Nguyên, Quảng Trị) là những nơi thuận lợi về tài nguyên gió. Các nhà máy thủy điện nhỏ phân bố nhiều nhất ở khu vực miền Bắc với khoảng gần 60%, phần còn lại rải rác ở miền Trung trong khi miền Nam tổng công suất đặt thủy điện nhỏ tương đối thấp (khoảng 300 MW).

Mặc dù năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích, góp phần tích cực giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội đất nước; giải quyết việc làm; nâng cao trình độ cho người lao động trong nước. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, tài chính và kỹ thuật. Để tháo gỡ các vấn đề này cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Trần Chung