Cuộc chiến không – hải (hay thủy – không tác chiến, Air-Sea Battle) là một biện pháp ứng phó tương đối rủi ro đối với những sức mạnh ngày một gia tăng của Trung Quốc và vấn đề đặt ra là liệu Mỹ có nên thực hiện chiến lược này hay không.
Xét bề ngoài, kế hoạch thủy – không tác chiến rõ ràng là rất hợp lý; đó là sự phản ứng với một một mối thách thức rõ ràng. Đó là, hơn hai thập niên qua, Trung Quốc ra sức phát triển một loạt các vũ khí (đặc biệt là tên lửa chống hạm) và đây chắc chắn là điều gây quan ngại cho quân đội Mỹ.
Những vũ khí này, hiểu theo cách nói của Lầu Năm Góc là các năng lực chống tiếp cận, phong tỏa khu vực (A2/AD), có thể cản trở quyền tự do đi lại của các nước trong các vùng biển xung quanh Trung Quốc, trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan hay ở các đảo tranh chấp thuộc Biển Đông và Hoa Đông, ngăn Mỹ thực hiện các cam kết quốc phòng với các đối tác trong khu vực.
Đáp lại, Lầu Năm Góc đã phát triển chiến lược thủy – không tác chiến (ASB), mà theo các báo cáo tình hình, việc triển khai bao gồm một cuộc tấn công sắc bén vào đại lục Trung Quốc.
Báo cáo của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA) có nêu chi tiết về cách thức tiến hành chiến tranh không – hải với Trung Quốc. Trong chiến dịch khai màn hạ gục hệ thống radar tầm xa cùng những hệ thống tên lửa chính xác nằm sâu trong lãnh thổ (blinding campaign), Mỹ sẽ tấn công vào mạng lưới trinh sát, chỉ huy-điều khiển của Trung Quốc để làm suy giảm khả năng tấn công của họ vào các lực lượng Mỹ và liên minh.
Do chính là nơi tập kết các tên lửa chống hạm, nên hoàn toàn hợp lý là Mỹ phải oanh kích vào các bệ phóng đặt trên mặt đất. Và để theo đuổi hệ thống này, một trong những điều cần thiết là phải loại bỏ hệ thống phòng thủ trên không, các trung tâm chỉ huy, điều khiển và các vũ khí chống tiếp cận khác của Trung Quốc. Tóm lại, ASB đòi hỏi một cuộc chiến tổng lực với Trung Quốc.
Khi văn bản của kế hoạch này rò rỉ ra đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới quân sự Mỹ - với nhiều phản ứng rất đáng kể. Một số nhân vật trong Lục quân Mỹ coi ASB là một nỗ lực của Không quân và Hải quân Mỹ để giành giật các nhiệm vụ trong tương lai và phần lớn hơn trong ngân sách quốc phòng ngày càng thu hẹp. Họ phần nào đã được xoa dịu khi các nhà hoạch định sau đó cố gắng dành ra một phần trong kế hoạch cho lực lượng trên bộ. Người khác thì lo ngại nó sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc mà đáng ra cả hai cường quốc nên dành để tập trung vào xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng mục tiêu trên có thể đạt được thông qua một chiến lược ít bạo lực hơn, như thiết lập phong tỏa Trung Quốc.
Trên tất cả, các nhà phê bình cho rằng ASB có tính chất rất leo thang và có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân. Chuyên gia phân tích quốc phòng Raoul Heinrichs cảnh báo, cuộc tấn công vào sâu đại lục “có thể dễ dàng bị Bắc Kinh hiểu là nỗ lực phủ đầu nhằm thủ tiêu các lựa chọn trả đũa hạt nhân của Trung Quốc. Dưới áp lực cao, sẽ rất khó để hạn chế một sự leo thang xung đột mạnh mẽ như vậy, mà trong trường hợp xấu nhất là tiến đến và vượt qua ngưỡng hạt nhân”.
Trước những ý kiến phản đối khác nhau, Lầu Năm Góc đã cố gắng đưa ra thông tin trấn an. Các kiến trúc sư trưởng của chiến lược thủy – không tác chiến nhiều lần cho rằng nó chỉ đơn thuần là một “khái niệm” và không được thiết kế nhằm cho “một khu vực hay đối thủ cụ thể nào”.
Các quan chức Lầu Năm Góc cũng nhắc lại rằng kế hoạch không phải là “chiến lược cho một khu vực hay một kẻ thù cụ thể nào” và họ miêu tả ASB là một văn phòng nhỏ, chỉ có 17 nhân sự, có nhiệm vụ cải thiện khả năng phối hợp và hoạt động giữa các miền. Tuy nhiên, “khái niệm” ấy đã chi phối các quyết định và ưu tiên quan trọng.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ (CRS), “khái niệm thủy-không tác chiến đã thúc đẩy các quan chức hải quân tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ trong kế hoạch ngân sách giai đoạn 2014-2018 của cơ quan” về phía chính các hệ thống vũ khí điện tử, mạng và chống tàu ngầm mà kế hoạch tác chiến chống Trung Quốc đòi hỏi. Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, khẳng định, Văn phòng ASB có “hơn 200 sáng kiến” đang triển khai và ngân sách năm 2011, 2012 bao gồm các khoản đầu tư liên quan vào “tác chiến chống tàu ngầm, chiến tranh điện tử, phòng thủ tên lửa và trên không, và chia sẻ thông tin” và ngân sách 2013 “tiếp tục duy trì các khoản đầu tư này, thiết thực cung cấp thêm các đầu tư vào hệ thống máy tính liên lạc điều khiển chỉ huy và do thám tình báo (C4ISR) linh hoạt hơn” phù hợp với sứ mệnh của ASB.
Lầu Năm Góc cam kết, kế hoạch không nhằm vào một kẻ thù cụ thể nào – nhưng chỉ có hai nước có khả năng chống tiếp cận, phong tỏa khu vực tiên tiến là Trung Quốc và Iran. Trung Quốc cho tới nay vẫn là kẻ thách thức mạnh mẽ nhất đối với thế thống trị của Mỹ ở các đại dương, trong khi Iran ở một khu vực thứ hai xa hơn, và theo CBSA, “không thể hy vọng sánh với Trung Quốc về khả năng phát triển một mạng lưới chống tiếp cận, phong tỏa khu vực hiện đại”. Tuy vậy, các quan chức Mỹ cũng chấp nhận rằng “ASB có thể giúp thuyết phục Trung Quốc rằng Trung Quốc ta sẽ giành chiến thắng trong cuộc đối đầu này”.
Nhưng vấn đề đặt ra là chiến lược thủy-không tác chiến có phải là một biện pháp quân sự đặc biệt hiếu chiến chống lại các thách thức từ hệ thống vũ khí chống tiếp cận, phong tỏa khu vực. Nếu Mỹ phải tiến hành một đánh giá toàn diện về tiềm lực quân sự của Trung Quốc và tham vọng khu vực cũng như toàn cầu của họ - và phát hiện Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực hay lật đổ Mỹ với tư cách là một siêu cường quốc toàn cầu, có lẽ Air-Sea Battle sẽ là cách đối phó thích hợp?
Song quan điểm của Trung Quốc là họ sẽ không đi theo con đường này. Giới lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại “phát triển hòa bình” và đang đưa đất nước đến tham gia hơn nữa vào trật tự thế giới hiện nay hơn là cố tình phá hoại nó. Trung Quốc tham gia vào Liên hợp quốc, nơi họ thường bỏ phiếu “trắng” hơn là thực hiện quyền phủ quyết của mình; Trung Quốc chơi theo luật chơi của Tổ chức Thương mại thế giới và đóng góp ngày một nhiều vào IMF; và đã sử dụng các kênh chính đáng để giải quyết các tranh chấp thương mại và lãnh thổ gần đây. Hơn nữa, theo họ, Mỹ và Trung Quốc cũng có nhiều lợi ích bổ sung cho nhau có thể làm nền tảng cho mối quan hệ hợp tác, bao gồm chống khủng bố, duy trì ổn định kinh tế, ngăn chặn bệnh dịch, và bảo vệ môi trường.
Nhiều quan điểm cho rằng, chiến lược trên chỉ nên áp dụng như một giải pháp cuối cùng. Ngay cả khi một đánh giá như trên kết luận rằng xung đột quân sự là một khả năng có thể xảy ra, thì Mỹ vẫn rất nhiều khả năng có thời gian và không gian để theo đuổi các lựa chọn khác trước khi theo đuổi một chiến lược rủi ro như ASB. Một giải pháp khả thi là chính sách “Đảm bảo kiềm chế lẫn nhau” hình thành sau Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược, gọi tắt là Hiệp ước SALT.
Ngược lại, Air-Sea Battle không chỉ khiến chiến tranh với Trung Quốc dễ xảy ra, mà nó còn làm dịch chuyển mối quan tâm và nguồn lực ra khỏi những nơi cần thiết nhất – như xóa bỏ mối đe dọa khủng bố đang diễn ra ở Trung Đông và châu Phi và xây dựng đất nước.
Tác giả bài viết Amitai Etzioni là Giáo sư Quan hệ quốc tế tại ĐH George Washington, từng làm cố vấn cấp cao của Nhà Trắng thời Carter và tham gia giảng dạy tại các trường ĐH Columbia, Harvard, và California ở Berkeley.
Đình Ngân (Theo Diplomat)