Chuyện tình nơi biên cương
Võ Thái Đức (SN 1993) quê ở Đô Lương, Nghệ An. Anh theo học Trường Trung cấp Biên phòng ở thành phố Vũng Tàu.
Trong những lần tán gẫu, Đức thường nghe một số người bạn kể về tỉnh Bình Phước với những địa bàn biên giới đầy khó khăn.
Đức và Hiền có tâm hồn đồng điệu, cùng yêu mảnh đất biên giới của Tổ quốc. |
Sau khi tốt nghiệp, Đức quyết định xin về đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu (Bình Phước) công tác với mong muốn đóng góp sức mình, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Thời gian công tác tại đây, anh đem lòng thương nhớ cô giáo mầm non Trần Thị Hiền (SN 1996, Thái Bình).
Được biết, cô giáo Hiền học Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương). Tốt nghiệp, Hiền mạnh dạn chọn huyện biên giới Lộc Ninh (Bình Phước) là nơi bắt đầu sự nghiệp “trồng người” của mình.
Hai tâm hồn đồng điệu, cùng yêu mảnh đất biên giới, khát khao mang sức trẻ vun đắp, bảo vệ Tổ quốc. Nhờ sự vun vén của mọi người, Đức nhanh chóng nhận được lời đồng ý của Hiền. Đôi bạn trẻ tìm hiểu hơn 2 năm mới quyết định về chung một nhà.
Trong suốt thời gian tìm hiểu, do tính chất công việc nên số lần Đức và người yêu gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Toàn bộ công tác chuẩn bị cho lễ cưới, phần lớn Hiền và bố mẹ 2 bên phụ trách. Vì Đức bận trên đơn vị, ít khi về được. Sự chung thủy cùng đức tính nhẫn nại của Hiền càng khiến Đức yêu thương cô nhiều hơn.
Hai lần hoãn cưới
Lễ đính hôn của cặp đôi diễn ra vào ngày 14/2/2020, dự kiến tổ chức đám cưới vào đầu tháng 4.
Tuy nhiên, thời điểm này dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hai người xin phép gia đình hai bên hoãn đám cưới, tham gia công tác phòng chống dịch bệnh.
Ảnh cưới của vợ chồng Đức - Hiền. |
Dịch bệnh được kiểm soát, kế hoạch đám cưới đang bỏ dở được bàn bạc lại. Lần này, Đức và Hiền chọn ngày 9/8/2020 để tổ chức hôn lễ.
Hai bên gia đình đã gửi đi hơn 200 thiếp cưới. Đức háo hức chờ ngày đẹp, đón Hiền về làm dâu. Chẳng ngờ, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại 1 số địa phương khiến ngày vui của hai người tiếp tục bị hoãn.
Nhiều bà con, bạn bè và người thân ở xa của hai bên đã mua vé để về dự hôn lễ nhưng đành phải hủy hoặc trả lại vé.
Về phần mình, Đức gạt chuyện riêng sang một bên, căng mình cùng đồng đội bám chốt, bám đường biên để kiểm soát, ngăn chặn người vượt biên.
Mỗi lần nghỉ giữa kíp trực, anh chỉ kịp nhắn cho vợ chưa cưới lời xin lỗi và lời hẹn: “Hết dịch ta sẽ về chung một nhà”.
“Hai lần hoãn cưới làm cả tôi và Hiền cùng gia đình hai bên cảm thấy buồn. Tuy nhiên, với vai trò là một chiến sĩ biên phòng, tôi rất hiểu tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch vào lúc này. Tôi chỉ biết động viên Hiền cố gắng, hi sinh cái riêng để tập trung cho cái chung”, anh lính biên thùy nói.
Về phần mình, cô giáo Hiền chia sẻ, trước khi gửi gắm cuộc đời mình cho Đức, cô từng băn khoăn về những khó khăn cả hai sẽ gặp phải.
Bởi, việc làm vợ một người lính không hề đơn giản. Cô phải chấp nhận sống cảnh chồng vắng nhà thường xuyên, mình ở nhà lo toan con cái, gia đình. Nỗi nhớ chồng chỉ biết giấu vào sâu thẳm trái tim.
Thế nhưng với tình yêu sâu sắc, Hiền đã vượt qua những thử thách, nguyện làm hậu phương vững chắc cho Đức yên tâm cống hiến.
“Hôn lễ là việc hệ trọng của cả đời người, cho dù phải hoãn cưới nhưng chúng tôi còn trẻ, vẫn còn nhiều thời gian. Khi nào đẩy lùi dịch, cuộc sống an toàn trở lại, chúng tôi tổ chức chưa muộn”, cô giáo Hiền bộc bạch.
Hiền cũng nhắn nhủ đến người yêu nơi biên cương những lời lẽ đầy yêu thương, động viên anh vững bước:
“Em sẽ luôn là chỗ dựa cho anh trong cuộc chiến chống dịch khốc liệt này. Em sẽ tiếp tục chờ anh. Khi dịch bệnh lùi xa, đám cưới của chúng mình sẽ được tổ chức trong niềm vui chiến thắng dịch bệnh và sự hoan hỉ chúc mừng của những người thân anh nhé”.
Cô giáo 9X cho biết thêm, những ngày tới, với vai trò là một đoàn viên, cô sẽ đồng hành với các bạn trẻ địa phương tích cực cùng mọi người xung quanh tham gia phòng, chống dịch.
Ông Võ Thái Hà - ba của Đức ôn tồn cho biết, lúc nghe con trai lấy vợ, ông mừng lắm nhưng khi Đức gọi điện thoại về báo hoãn lần 1 rồi lần 2, tâm trạng có phần xót xa cho con.
Thế nhưng, hai vợ chồng ông vẫn thay nhau động viên con trai, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó.
“Mong sao dịch sẽ sớm được kiểm soát tại Việt Nam để các con tôi và những cặp đôi khác cùng hoàn cảnh có thể làm đám cưới”, ông Hà bày tỏ.
Hơn 5 tháng qua, kể từ ngày Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước triển khai các chốt chặn nơi biên giới nhằm ngăn chặn người vượt biên trái phép, vi phạm quy chế biên giới... Tất cả các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh đã cùng các lực lượng quân sự và dân quân tạm gác mọi việc cá nhân, “nằm vùng” 24/24 giờ tại 62 chốt cố định và 11 chốt cơ động ở các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới dài hơn 260km.
Lán nghỉ ngơi của bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước tại chốt chặn. |
Họ căng mình với những khó khăn, thử thách nơi rừng sâu hiểm trở để tăng cường quản lý, bảo vệ vùng biên cương, góp phần phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh Đức và Hiền, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước còn 2 cặp đôi khác cũng phải hoãn đám cưới của mình để trực chiến tại các chốt chặn.
Những người lính biên phòng trực chiến 24/24 giờ tại các “lá chắn thép” nơi đường mòn, lối mở vùng biên giới. |
Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy thông tin, trên toàn tỉnh, rất nhiều cặp đôi đã phải hoãn cưới, tạm dừng lễ đính hôn để cùng cộng đồng chiến đấu với dịch bệnh.
Trong đó có những cặp đôi là cán bộ đoàn, đoàn viên hoặc những người trẻ đang tham gia các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Đặc biệt là những chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm canh giữ vùng biên cương của Tổ quốc. Những ngày tới, Tỉnh Đoàn sẽ đến động viên, trao thư khen và tặng quà cho các cặp đôi tiêu biểu này nhằm biểu dương cách hành xử đúng đắn của lớp trẻ.
“Đây là những hành động đẹp, có ý nghĩa, cần được lan tỏa trong cộng đồng và xã hội để góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân đối với cuộc chiến chống dịch.
Để vượt qua những thử thách mà dịch bệnh mang đến, mỗi người cần lấy cái chung đặt lên niềm riêng, ứng xử văn minh, hành động tử tế, đoàn kết cùng nhau vượt qua dịch bệnh,” ông Duy nhấn mạnh.
Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.
Lễ cưới mùa dịch Covid-19: Dàn khách mời đặc biệt 'ngồi' kín chỗ
Bức ảnh cảm động cho thấy cô dâu chú rể đang đi dọc giáo đường, xung quanh là những bức ảnh thay cho khách mời.
Trần Quốc Duy - Minh Khuê
Ảnh: NVCC