32 tuổi, nhiều người đồng trang lứa với Thuần đã có một mái ấm riêng hạnh phúc. Thuần thì không. Cô lựa chọn sống một cuộc đời thật khác: cuộc sống gần như chỉ xoay quanh những đứa trẻ ung thư.
Hoàng Thị Diệu Thuần sinh năm 1987, người Quỳ Hợp, Nghệ An. Năm 18 tuổi, vừa nhận kết quả đỗ đại học không lâu, cô bị chẩn đoán mắc ung thư máu.
Chị Hoàng Thị Diệu Thuần - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thuần từ một cô bé hoạt bát trở nên trầm hẳn. Lần đầu tiên nhìn người bạn thân thiết cùng điều trị với mình ở Viện Huyết học ra đi, cô rơi vào trạng thái sốc, hoảng loạn cực độ. Dần dần, những người bạn ấy rồi không còn ai, cô cũng trở nên bất cần, chai lì với mọi thứ.
“Mình không hi vọng gì cả. Mình nghĩ rằng rồi mình cũng như họ, cũng không thể có tương lai”, Thuần nhớ lại.
Chỉ tới khi nhìn thấy những bệnh nhân khác vẫn kiên trì chống chọi với bệnh tật, nghĩ về sự tảo tần của bố mẹ, nghĩ tới người anh phải bỏ cả tương lai để kiếm tiền chữa bệnh cho mình, Thuần mới biết cô cần hi vọng, cần gượng dậy để sống.
Năm 2012, như một phép màu, Thuần vượt qua bệnh ung thư máu sau ca ghép tủy thành công. 3 năm sau đó, cô vẫn phải đều đặn lên viện để dùng thuốc ức chế miễn dịch do các chỉ số còn rất thấp.
Khỏe hơn, Thuần không muốn quanh quẩn ở khu điều trị hóa chất cho người lớn nữa. Rảnh rỗi, cô tìm tới một không gian đặc biệt ở tầng 6: khu điều trị hóa chất của trẻ con. Nhìn lũ trẻ khiến cô gái yêu đời hơn hẳn. Cô ngắm nhìn bọn nhóc nô đùa, nghe chúng tíu tít kể chuyện. Cô dẫn chúng đi ăn, mua sắm quần áo. Cô gọi điện huyên thuyên với chúng suốt cả ngày dài khi không lên viện.
Rồi, chúng ra đi. Những ngày đầu nghe tin về sự ra đi của lũ trẻ, cô òa khóc, cảm giác quặn thắt nơi lồng ngực. Trong 7 năm dài điều trị ung thư, Thuần tưởng như đã chai lì cảm xúc, nhưng vẫn không thể giữ nổi bình tĩnh khi chứng kiến những sinh mệnh bé bỏng phải từ giã cuộc đời.
“Có những lần, mình thậm chí không thể khóc, chỉ cảm thấy không còn năng lượng để đứng vững. Mình không làm được gì trong suốt những ngày sau đó”, Thuần tâm sự.
Thuần và các bệnh nhi ung thư tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thuần bị ám ảnh bởi hình bóng của lũ trẻ. Cô bảo, dù là khi đi làm, đi tập thể thao, trước khi đi ngủ, thậm chí ngay cả khi nhắm mắt lại, hình ảnh chúng vẫn cứ quanh quẩn bên cô. Cô thấy chúng cười hồn nhiên, thấy chúng nói ríu rít, thấy chúng hạnh phúc bên cha mẹ. Và rồi, cô thấy cả hình ảnh chúng ra đi.
Thương những đứa trẻ, cô muốn làm nhiều hơn cho chúng. Thế là quỹ từ thiện “Muôn ánh mặt trời” ra đời. Quỹ được lấy tên theo cuốn tự truyện Thuần viết trong thời gian điều trị ghép tủy. Toàn bộ tiền bán sách, Thuần dành cả cho quỹ. Tết về, cô cũng bán thêm bao lì xì để tăng nguồn thu góp vào quỹ từ thiện.
Số tiền tích góp được trong quỹ “Muôn ánh mặt trời”, Thuần dành để mua tặng bỉm phát hàng tháng cho bệnh nhi. Mỗi khi biết có trường hợp nào khó khăn, cô lại trích vài trăm hoặc vài triệu từ trong quỹ để giúp các bé kịp thời, tùy từng hoàn cảnh.
Dần dần, cô muốn lan tỏa việc làm của mình tới cộng đồng, muốn nhiều bệnh nhi được giúp đỡ hơn. Thuần ấp ủ ý tưởng về một chương trình talkshow, nơi các bé được trở thành nhân vật chính, thoải mái trò truyện và được thực hiện ước mơ của mình. Tháng 8/2019, chương trình Talkshow “Em mước mong sao”, vì trẻ em ung thư ra đời sau rất nhiều nỗ lực của cô gái trẻ.
“Mình làm chương trình này với mong muốn giúp các em bé ung thư thấy hạnh phúc, thấy được tình cảm yêu thương, trân trọng từ tất cả mọi người. Mình hi vọng có thể thức tỉnh ước mơ của các con, giúp các con có thêm niềm vui, động lực và có một cú hích tinh thần để tiếp tục điều trị”, Thuần chia sẻ.
Thuần cùng bệnh nhi và ekip chương trình “Em ước mong sao” - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Để chương trình có thể vận hành, Thuần phải tự đứng lên kêu gọi tài trợ, gom nhặt từng chút, huy động ekip tham gia. Thuần bảo, cô là người không chuyên nhưng đang làm với tất cả những gì mình tâm huyết và nỗ lực. Talkshow “Em ước mong sao” hiện đã ghi hình được 4 số, mang tiếng cười và chắp cánh giấc mơ cho 4 em nhỏ ung thư.
Nhìn cô gái dáng người nhỏ nhắn, gầy gò tất bật với những công việc “không lương”, nhiều người nói cô bao đồng, nhưng Thuần chỉ im lặng và tiếp tục làm những điều mình yêu. Mấy ai biết rằng những công việc “không lương” ấy lại chính là động lực sống của cô.
Sau đợt điều trị ghép tủy, khả năng làm mẹ của Thuần dường như là không thể. Cô thường nói thẳng với những người đàn ông có cảm xúc với mình điều ấy để lòng nhẹ nhõm.
“Mình không thể có được hạnh phúc bình dị như mọi người, có một người đàn ông yêu thương chăm sóc, có một đứa con để vỗ về thì mình có tụi trẻ bên cạnh để an ủi. Đó coi như cũng là một điều may mắn đối với mình”, Thuần mỉm cười tâm sự.
32 tuổi, Thuần hay hát, hay đàn. Thuần thích nhạc Lê Cát Trọng Lý với những giai điệu thanh thuần, trong trẻo. Nó cũng như con người của cô vậy.
“Mình đang có kế hoạch mở một cửa hàng đồ thêu nho nhỏ để vừa đủ sống, cũng là để mọi người không lo lắng cho mình nữa. Ổn định kinh tế rồi mình sẽ có nhiều thời gian hơn để đi làm từ thiện. Mình sẽ còn làm việc này tới khi nào không thể nữa mới thôi”, Thuần nói.
Thuần hay hát, hay đàn và thích nhạc Lê Cát Trọng Lý
Nguyễn Liên
Sau tai nạn giao thông, người phụ nữ làm mẹ nhờ xin tinh trùng
- Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cuộc đời của người phụ nữ tên Hoàng Thị Dung (sn 1983, Bồng Lai, Quế Võ, Bắc Ninh) bỗng như rơi xuống vực thẳm.