Hơn nửa năm trước, Steve Liu vẫn còn lạc quan về việc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sắp kết thúc. Anh vốn cho rằng nền kinh tế cả 2 nước đều phụ thuộc vào nhau.
Giờ đây Liu, Giám đốc kinh doanh tại một công ty phụ kiện tại Thượng Hải, không còn lạc quan như vậy. Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng Trung Quốc, và Huawei Technologies, một trong những khách hàng của Liu thì bị cấm mua công nghệ Mỹ.
Phụ thuộc vào những gã khổng lồ
“Lệnh cấm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chúng tôi bởi chúng tôi cung cấp phụ kiện cho nhiều mẫu smartphone Huawei dòng Mate và P.
Giờ thì lệnh cấm chưa tác động mạnh vì chúng tôi chủ yếu bán phụ kiện cho máy trong nước, nhưng nếu tình hình xấu đi chúng tôi chắc chắn bị ảnh hưởng”, Liu nói.
Việc Huawei lọt vào danh sách bị cấm giao dịch công nghệ của Bộ Thương mại Mỹ khiến cho nhiều đối tác của công ty này, như Google, phải dừng hợp tác. Lệnh cấm chỉ được nới lỏng sau khi Mỹ thông qua giấy phép tạm thời trong 90 ngày.
Các công ty nhỏ, phụ thuộc vào Huawei chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: EPA |
Theo SCMP, từ sau động thái của Mỹ, nhiều người dùng điện thoại Huawei đã bán máy của họ với giá rẻ trên các trang thương mại điện tử vì sợ chúng không dùng được dịch vụ Google trong tương lai.
Ngày 29/5, Giám đốc pháp lý của Huawei, ông Song Liuping khẳng định lệnh cấm này sẽ dẫn đến một tiền lệ nguy hiểm. Ông Song cũng cho biết bước đi của Mỹ sẽ làm ảnh hưởng tới hơn 1.200 nhà cung cấp của Huawei.
Liu thì lo ngại lệnh cấm của Mỹ thậm chí khiến cho các nhà cung cấp chip của Mỹ dừng hợp tác với mọi công ty công nghệ Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, công ty của anh khó mà tồn tại được, bởi phần lớn khách hàng của công ty này là các hãng smartphone Trung Quốc.
Công ty của Liu chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng khi đứng giữa làn đạn của chiến tranh công nghệ. Họ thường phụ thuộc vào đơn hàng từ các công ty lớn như Huawei để duy trì kinh doanh, nên mất đi bất kỳ khách hàng nào cũng có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của công ty.
Chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển
Nhiều nhà bình luận cho rằng lệnh cấm của Mỹ có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ, khi Trung Quốc buộc phải cải tiến và tự chủ về công nghệ.
“Chúng ta có thể thấy thế giới rồi sẽ từ từ chia thành các cực về công nghệ, với đặc trưng cả phần cứng và phần mềm khác nhau”, ông Christopher Balding, giáo sư tại đại học Fulbright Việt Nam nhận xét.
Ông Balding cho rằng những công ty như Foxconn, đối tác gia công lớn nhất của Apple tại Trung Quốc, có thể sản xuất thiết bị ở Ấn Độ cho khách hàng quốc tế, và sản xuất tại Trung Quốc cho khách nội địa.
Nhiều công ty như Foxconn có thể lựa chọn đa dạng hóa chuỗi cung ứng để không phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: 9to5Mac |
Những viễn cảnh như vậy có thể gây ra sự chia rẽ đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số công ty Mỹ bắt đầu tính đến chuyện xây dựng chuỗi cung ứng tại Trung Quốc chỉ dành riêng cho thị trường Trung Quốc, trái với hình ảnh “công xưởng thế giới” trước đây của đất nước này.
MHD, một công ty cung cấp phụ kiện tại Đông Quản cảm nhận rõ sức ép này. Họ chủ yếu sản xuất sạc và các bộ chuyển đổi cho khách hàng Mỹ. Trong tháng qua, số đơn hàng đã giảm mạnh sau khi căng thẳng thương mại gia tăng.
“Nhiều khách hàng Mỹ đã bỏ đi vì chúng tôi là công ty Trung Quốc”, một nhân viên kinh doanh tên Yan của MHD chia sẻ. Cô Yan cho biết khách hàng đã đi tìm các nguồn hàng mới tại Ấn Độ và Việt Nam.
Phụ kiện của MHD nằm trong danh sách các sản phẩm Trung Quốc bị đánh thuế nặng nhất. Ngoài ra, khách hàng cũng không muốn chịu rủi ro từ căng thẳng chính trị.
“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang làm nốt vài đơn hàng, nhưng khoảng 1-2 tháng nữa tôi không nghĩ chúng tôi sẽ có nhiều việc để làm”, Yan nói. Cô cũng cho biết công ty của mình chưa có kế hoạch phụ và giữ lại công nhân như thế nào.
Các công ty lo ngại đối tác Mỹ quay lưng khiến cho công nhân không còn việc làm. Ảnh: New York Times |
Ở phía ngược lại, các công ty Mỹ sẽ phải cân nhắc lại hoạt động tại Trung Quốc, nhất là với các công ty từ lâu bị chính phủ Trung Quốc làm khó.
“Các công ty Mỹ từ lâu đã khó chịu với các thủ tục kiểm tra, chuyển đổi công nghệ và liên kết mà họ buộc phải chấp nhận khi vào Trung Quốc. Họ phải cân nhắc giữa lợi ích và chi phí trong việc phụ thuộc hoàn toàn vào chuỗi cung ứng Trung Quốc”, cô Zhong Rui thuộc viện nghiên cứu Mỹ - Trung Kissinger nhận xét.
Remo Technology, công ty sản xuất camera giám sát có AI tại Thâm Quyến, cho biết họ phải chuẩn bị cho tương lai không có công nghệ Mỹ. CEO Remo, ông Liu Bo chia sẻ công ty này đang thay thế dần sản phẩm Mỹ bằng sản phẩm Trung Quốc.
“Lúc này chúng tôi cũng cố gắng tích lũy linh kiện Mỹ để đảm bảo đủ linh kiện vận hành trong thời gian tới. Tuy nhiên là công ty khởi nghiệp, chúng tôi cũng phải chú ý đến dòng tiền và không thể tích lũy quá nhiều”, ông Liu Bo cho biết.
Với lệnh cấm từ Mỹ, các công ty Trung Quốc sẽ phải đẩy mạnh nỗ lực tự nghiên cứu và làm chủ công nghệ. Đây có thể là mục tiêu khả thi đối với các công ty bán dẫn Trung Quốc, dù phải mất nhiều năm.
“Trung Quốc có thị trường 1,3 tỷ dân, kinh tế có định hướng, nên khả năng họ tự xây dựng được chuỗi cung ứng cao hơn Mỹ, một nước chủ trương thị trường tự do”, giáo sư Wong Kam Fai tại khoa kỹ thuật, đại học Trung Văn Hong Kong nhận xét.
Dù vậy, SCMP nhận định việc tồn tại thêm vài năm với những công ty nhỏ cũng là rất khó khăn.
“Chúng ta không thể dự đoán lúc nào chiến tranh thương mại mới kết thúc, nhưng hi vọng là sớm thôi bởi đây là hoàn cảnh cả 2 bên đều thiệt hại. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và hi vọng là công ty mình không bị ảnh hưởng quá nhiều”, Daniel, nhân viên tại một công ty Nhật cung cấp linh kiện cho Huawei chia sẻ.
Theo Zing/SCMP
Chiến tranh 5G là lý do cho cú 'búng tay' hủy diệt Huawei
Bị Huawei bỏ xa trong cuộc đua 5G cùng những lo ngại về an ninh, Mỹ và các đồng minh đang tìm mọi cách để hạn chế tầm ảnh hưởng của công ty Trung Quốc.