Khi châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm chính trị và kinh tế của thế giới thì sức hút bên trong khu vực này lại đang dịch chuyển tới Đông Bắc Á, nơi lợi ích của các cường quốc - Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, và Nga - gặp gỡ và va chạm nhau.
Phần 1: Nguy cơ cuộc chiến trên biển Hoa Đông
Vấn đề chiến tranh và hòa bình ở Đông Bắc Á có tầm quan trọng không chỉ trong
khu vực mà cả trên toàn cầu. Nếu một cuộc chiến bùng nổ ở Đông Á, nhiều khả năng
nó sẽ diễn ra chủ yếu trên biển. Điều này là do địa lý khu vực, nơi các chủ thể
chính ngăn cách nhau bởi những vùng biển rộng.
Một khía cạnh quan trọng của sự kình địch Trung - Mỹ ở Đông Bắc Á là nguy cơ tiềm tàng một sự đối đầu hải quân (Ảnh: AP) |
Một cuộc chiến quy mô lớn trên mặt đất, như ở châu Âu, Trung Đông hay trên bán đảo Triều Tiên, có thể dẫn tới sự tổn thất nhân mạng to lớn và rất nhiều thiệt hại về vật chất, do vậy các chính trị gia phải hành động cẩn trọng hơn.
Còn ở biển, nơi không có con người sinh sống trong phạm vi hàng trăm dặm, những nguy cơ kể trên thấp hơn nhiều và điều đó có thể làm giảm giới hạn của việc ra quyết định lao tới chiến tranh.
Ở Đông Bắc Á, khả năng tiềm tàng xung đột chủ yếu tập trung ở biển Hoa Đông, với Trung Quốc và Nhật Bản là hai đối thủ chính. Mục đích tranh cãi của họ là chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sự phân ranh các vùng đặc quyền kinh tế.
Dấu hiệu căng thẳng
Những dấu hiệu báo động, cho thấy một sự gia tăng căng thẳng nguy hiểm, hiện tại rất rõ ràng. Năm 2012, Trung Quốc đã có nhiều phản ứng mạnh mẽ trước việc Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa chuỗi đảo Senkaku (bằng cách mua chúng từ một chủ sở hữu tư nhân).
Các máy bay và tàu Trung Quốc tiến vào vùng thực thi pháp lý của Nhật Bản ở khu vực tranh chấp ngày càng thường xuyên hơn.
Ở Nhật Bản cũng có một sự dịch chuyển trong tâm lý của dân chúng, hướng tới một lập trường cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Điều này thấy rõ qua cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 12/2012. Một trong những đề xuất trước bầu cử của Thủ tướng Shinzo Abe (hiện vẫn chưa được thực thi) là đảm bảo sự hiện diện liên tục của các quan chức và lính tuần duyên Nhật Bản trên quần đảo Senkaku.
Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố tăng cường chi tiêu quân sự trong năm 2013, lần
tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên của nước này trong 11 năm qua. Điều này đúng
như những cam kết trước bầu cử của ông Abe nhằm tăng cường sức mạnh quân sự để
đối phó với "mối đe dọa Trung Quốc".
Chủ nghĩa biểu tượng của xung đột
Nhiều nhà phân tích tin rằng một cuộc chiến ở biển Hoa Đông - mà mới chỉ cách đây vài năm còn là điều gần như không thể - giờ đây có thể trở thành hiện thực. Gốc rễ xung đột không chỉ nằm ở tầm quan trọng chiến lược quân sự của những hòn đảo nhỏ bé không người, cũng không chỉ vì dầu lửa và các nguồn tài nguyên của vùng biển này. Mà tranh chấp Senkaku đã phát triển thành một ý nghĩa mang tính biểu tượng, trở thành vấn đề căn nguyên giữa một Trung Quốc đang lớn mạnh và ngày càng dân tộc chủ nghĩa với Nhật Bản, nước đang cố gắng duy trì các vị thế suy yếu của mình.
Mỹ sẽ can dự?
Chính quyền Mỹ đã nhiều lần tuyên bố, trong vấn đề chủ quyền đối với Senkaku,
nước này không đứng về phía nào của tranh chấp nhưng cùng lúc đó, họ lại công
nhận quyền kiểm soát hành chính của Tokyo đối với chuỗi đảo. Bởi vậy, vùng lãnh
thổ này được hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật bảo vệ (1, 2).
Bên cạnh đó cũng cần nhớ rằng người Mỹ chưa bao giờ tỏ rõ họ sẵn sàng can thiệp và dùng vũ lực ủng hộ đồng minh Nhật Bản của mình. Washington ý thức rất rõ về các nguy cơ xuất phát từ sự kình địch giữa Nhật Bản và Trung Quốc, và từ các nghĩa vụ đồng minh của mình với Nhật Bản.
Vì lý do đó mà cách Mỹ tiếp cận cuộc tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng có gì đó giống với chính sách "mập mờ chiến lược" mà Washington áp dụng cả một thời gian dài đối với "vấn đề Đài Loan".
Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích uy tín tại Mỹ, nếu Tokyo khới ra một cuộc khủng hoảng thì Mỹ có thể từ chối hành động ủng hộ người Nhật trong một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc.
Bất chấp những e dè kể trên, nhiều khả năng nhất là Mỹ sẽ dành cho Nhật sự trợ giúp quân sự trong trường hợp một cuộc khủng hoảng nổ ra ở biển Hoa Đông, nếu Tokyo tự thấy mình không đương đầu nổi một mình. Tuy nhiên, dự đoán này chỉ có lý trong ngắn hạn và trung hạn, khi Mỹ vẫn chiếm ưu thế quân sự rõ ràng trước Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương.
Ảnh: RIA Novosti |
Lập trường của các nước
Các quốc gia khác ở Đông Bắc Á sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra xung đột
quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản?
Hàn Quốc tự thấy mình lâm vào một tình cảnh tương đối khó. Một mặt, người Hàn Quốc có các vấn đề với người Nhật mà theo nhiều cách thì tương tự với các vấn đề của Trung Quốc. Mặt khác, Seoul cũng nằm trong mối quan hệ liên minh chính trị - quân sự với Mỹ. Vì vậy, Hàn Quốc có thể sẽ chọn lập trường trung lập, mặc dù nhiều người ở đất nước này muốn Tokyo bị đánh bại.
Triều Tiên, dù là một đồng minh của Trung Quốc, ít có khả năng sẽ dính vào xung đột. Các lợi ích tức thời của nước này không có gì liên quan đến biển Hoa Đông, và Bình Nhưỡng không có sức mạnh quân sự đủ để gây ảnh hưởng thực sự đến kết quả xung đột.
Đài Bắc coi các đảo tranh chấp là của người Trung Quốc. Tuy nhiên, khó mà có chuyện Đài Loan sẽ tham gia một cuộc chiến chống lại Mỹ và Nhật Bản, hai nước chính đảm bảo cho sự độc lập trên thực tế của hòn đảo này.
Sam Nguyễn (Theo RBTH)Còn nữa
-----
Về các tác giả bài viết:
Andrey Gubin: Tiến sĩ về Các nghiên cứu Chính trị, Giám đốc Các chương trình Nghiên cứu tại Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Các nghiên cứu chiến lược Nga, Phó Giáo sư thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Liên bang viễn Đông.
Artem Lukin: Tiến sĩ về Các nghiên cứu Chính trị, Phó Giáo sư tại Khoa
Quan hệ Quốc tế, Phó Hiệu trưởng trường Các nghiên cứu Quốc tế và Khu vực thuộc
Đại học Liên bang Viễn Đông.