Khi công bố cho các nhà cung cấp Internet danh sách địa chỉ máy tính liên quan đến một nhóm tin tặc trộm dữ liệu của các tập đoàn Mỹ, chính quyền Obama đã hé lộ một thực tế: gần như mọi địa chỉ số đều có thể được truy lần tới một khu ở Thượng Hải vốn là trụ sở Bộ chỉ huy không gian mạng của quân đội Trung Quốc.

TIN BÀI KHÁC:

Tòa nhà ở ngoại ô Thượng Hải được tin là nguồn gốc các cuộc tấn công mạng. 

Thực tế đó làm nổi bật những nhạy cảm bên trong chính quyền Obama về cách đối diện trực tiếp với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc về chuyện tin tặc.

Vấn đề này cho thấy những khác biệt của cuộc chiến tranh lạnh trên không gian mạng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với các cuộc xung đột siêu cường trong những thập niên qua - theo cách này thì ít nguy hiểm hơn nhưng theo cách khác lại phức tạp và lợi hại hơn.

Giới chức Mỹ cho biết, hơn bao giờ hết, họ muốn nêu tên Trung Quốc trực tiếp - như Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric H. Holder đã làm tuần trước khi thông báo một chiến lược chống nạn trộm tài sản trí tuệ. Nhưng Tổng thống Obama đã tránh đề cập đích danh Trung Quốc hoặc Nga hay Iran khi xác nhận trong Thông điệp Liên bang rằng "chúng ta biết các nước và các công ty bên ngoài đang ăn trộm các bí mật tập đoàn của chúng ta". Ông nói thêm: "Giờ đây, kẻ thù của chúng ta cũng đang tìm kiếm khả năng phá hủy mạng lưới điện của chúng ta, các thể chế tài chính và hệ thống kiểm soát không lưu của chúng ta".

Định nghĩa "kẻ thù" trong trường hợp này không phải dễ. Trung Quốc không phải là một kẻ thù rõ ràng của Mỹ như kiểu Liên Xô trước kia; thay vào đó, nước này vừa là một đối thủ kinh tế vừa là một nhà cung cấp và khách hàng quan trọng. Trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt 425 tỷ USD trong năm ngoái, và Trung Quốc còn là một chủ nợ của Mỹ.

Về bằng chứng rằng quân đội Trung Quốc có thể đứng sau "Comment Crew - Đội bình luận", tổ chức lớn nhất trong khoảng 20 nhóm tin tặc mà các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi, câu trả lời là Mỹ đang thận trọng cao độ. Các quan chức nước này đã cực kỳ khéo léo khi để hãng an ninh tư nhân Mandiant ra báo cáo truy lần các cuộc tấn công mạng tới cửa ngõ Bộ chỉ huy không gian mạng Trung Quốc. Điều đó giải thích tại sao Trung Quốc không được nhắc đến như một địa điểm của các máy chủ tình nghi trong cảnh báo gửi tới các nhà cung cấp Internet.

"Chúng tôi được bảo rằng trực tiếp làm bẽ mặt Trung Quốc sẽ phản tác dụng", một quan chức tình báo Mỹ tiết lộ. "Điều đó càng làm cho họ thêm phòng thủ và thêm chủ nghĩa dân tộc mà thôi".

Dẫu vậy, quan điểm này đang bắt đầu thay đổi. Theo các quan chức Mỹ, trong vài tháng tới sẽ có nhiều cảnh báo riêng từ Washington đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có ông Tập Cận Bình. Cả cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon và Ngoại trưởng John Kerry đều sắp có các chuyến công du tới Trung Quốc. Những cuộc hội đàm dự kiến sẽ nêu ra rằng quy mô và mức độ tinh vi của các cuộc tấn công trong những năm qua có nguy cơ làm tổn hại sự ủng hộ dành cho Trung Quốc từ các đồng minh lớn nhất của nước này ở Washington.

Hiện còn quá sớm để xác định liệu yêu cầu này có được tiếp nhận. Một số lập luận tương tự cũng từng được thử trước kia, tuy nhiên, khi một lãnh đạo quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc thăm Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ở Lầu Năm Góc vào tháng 5/2011, ông này khẳng định không biết nhiều về vũ khí không gian mạng - và rằng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) không dùng chúng.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công của PLA chủ yếu nhằm vào các mục tiêu thương mại. Họ có lợi ích về các bí mật thương mại, chẳng hạn như các thiết kế không gian và giản đồ sản phẩm phong năng: quân đội đã đầu tư sâu vào ngành công nghiệp Trung Quốc và luôn tìm kiếm lợi thế cạnh tranh.

Các nhà chức trách Mỹ tuyên bố điều đó sẽ phải thay đổi. Song những gì phải làm rất đa dạng - từ bình tĩnh đàm phán cho tới trừng phạt kinh tế và bàn bạc phản công. Nhưng khó khăn lớn là Trung Quốc có thể dễ dàng phủ nhận những gì đang xảy ra. Điều này cho thấy một khác biệt lớn nữa so sự kình địch hạt nhân Xô - Mỹ trước kia. Trong những ngày tháng chiến tranh lạnh, khả năng ngăn chặn là rõ ràng: bất kỳ cuộc tấn công nào đều cũng sẽ dẫn đến sự trả đũa tàn khốc. Còn các cuộc tấn công mạng là chuyện khác. Đa số chọn cách trộm cắp chứ không phá hủy. Và thường cũng phải mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng mới xác định được khởi phát tấn công, bởi vì chúng thường đi qua các máy chủ ở nơi khác để che đậy nguồn gốc.

Các quan chức Mỹ như Thứ trưởng Ngoại giao Robert Hormats cho rằng, chìa khóa thành công trong việc chống lại tấn công mạng là nhấn mạnh với phía Trung Quốc rằng làm thế sẽ gây tổn hại cho hy vọng của họ về tăng trưởng kinh tế. Nhưng ông Rogers thuộc Ủy ban Tình báo lại ủng hộ một biện pháp đối đầu hơn, bao gồm "buộc tội các chủ thể xấu" và không cấp thị thực cho bất kỳ ai được tin là có liên quan đến tấn công mạng.

Cuộc tranh luận tới đây là liệu chính phủ có nên tham gia trả đũa hay không. Còn hiện nay đang có một cuộc thảo luận nghiêm túc ở hậu trường về kiểu tấn công nào nhằm vào cơ sở hạ tầng của Mỹ có thể khiến một Tổng thống phải ra lệnh phản công.

Thanh Hảo (Theo NY Times)