Ông Trần Anh Kiệt (ngụ phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM) là nạn nhân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Hiện sổ đỏ nhà ông đang là vật chứng trong vụ án nên ông chưa được nhận lại để làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng.

Giả mua nhà, đánh tráo sổ đỏ

 Ông Kiệt trình bày: Năm ngoái gia đình ông cần tiền nên ông quyết định bán căn nhà ông đang ở. Khoảng tháng 6-2018, ông đăng thông tin bán nhà trên các trang giới thiệu bất động sản. Tại thời điểm rao bán, ông đưa ra giá 17 tỉ đồng và có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng do không thống nhất giá cả nên ông chưa bán. Cũng có một số người đến hỏi mua rồi xin bản phôtô sổ đỏ để về nghiên cứu nhưng cũng chẳng quay lại. Ngoài ra, có người đến xem nhà và xin xem qua bản chính sổ đỏ để làm tin nhưng rồi họ cũng không quay lại.

Đến tháng 10-2018, Công an phường 17, quận Bình Thạnh đến thông báo căn nhà của ông đã bị người khác làm thủ tục đăng bộ và hiện công an đang giải quyết. Lúc này ông cũng chưa tin vì giấy tờ nhà ông đang cất giữ. Tuy nhiên, sau khi làm việc với công an thì ông mới tá hỏa vì bấy lâu nay sổ đỏ ông đang giữ là giả, còn sổ đỏ thật thì đã bị kẻ gian tráo khi họ xin xem bản chính lúc hỏi mua nhà.

Hiện vụ việc làm giả sổ đỏ của ông Kiệt đã được CQĐT Công an TP.HCM khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra.

{keywords}
Ông Trần Anh Kiệt nói không biết khi nào thì ông được trả lại sổ đỏ để giao dịch mua bán nhà.

Rồi đóng giả người ủy quyền cho người khác bán nhà

Theo CQĐT Công an TP.HCM, sau khi tráo đổi được sổ đỏ thật của ông Kiệt, các đối tượng cho người đóng giả ông Kiệt ra văn phòng công chứng ở quận Bình Tân ký hợp đồng ủy quyền cho một người tên Huỳnh với nội dung người này được toàn quyền định đoạt căn nhà trên.

Sau đó, Huỳnh ra một văn phòng công chứng khác ở quận Gò Vấp ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông H. với giá 4,9 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng mua bán, ông H. mang toàn bộ hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận Bình Thạnh để làm thủ tục đăng bộ sang tên. Tuy nhiên, cán bộ Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Thạnh phát hiện chữ ký trong giấy ủy quyền và chữ ký trong hồ sơ lưu của ông Kiệt khác nhau nên đã trình báo công an.

Cùng lúc này, ông H. phát hiện mình bị lừa nên đã làm đơn tố cáo đến CQĐT và giao nộp toàn bộ hồ sơ để phục vụ giám định.

Theo kết quả giám định, sổ đỏ do ông Kiệt giữ là giả, còn sổ đỏ do ông H. giữ là thật. CQĐT đã giữ hai sổ đỏ này để làm vật chứng vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Sổ đỏ bị neo, khổ chủ kêu trời

“Vụ án đang được điều tra coi như đã an tâm nhưng sổ đỏ của tôi đang bị CQĐT tạm giữ và tôi thì đang rất cần để tiếp tục giao dịch mua bán. Nhiều lần tôi đã gửi đơn đến công an để xin nhận lại sổ đỏ nhưng công an bảo về Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Thạnh xin cấp lại. Tôi đến Chi nhánh VPĐKĐĐ quận thì nơi này lại bảo không thể cấp được. Giờ tôi không biết phải làm sao” - ông Kiệt trình bày.

Trao đổi với PV, CQĐT Công an TP.HCM cho biết sổ đỏ thật của ông Kiệt là vật chứng của vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hiện CQĐT đang thụ lý nên không thể trao trả cho ông Kiệt mà phải tạm giữ để xử lý theo hồ sơ vụ án. Do đó, CQĐT có hướng dẫn ông Kiệt liên hệ Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Thạnh để được giải quyết cấp lại theo quy định. Tại thời điểm này, CQĐT chưa thể trả lại sổ đỏ cho ông Kiệt.

Tuy nhiên, trả lời PV, đại diện Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Thạnh cho hay nơi này chưa nhận được công văn của CQĐT. “Nếu có nhận được thì Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Thạnh cũng không thể cấp lại giấy chứng nhận mới vì theo quy định, không thể tồn tại hai giấy chứng nhận có giá trị pháp lý” - cơ quan này trả lời.

Vậy là ông Kiệt còn phải chờ. “Tôi không biết phải chờ đến khi nào, bởi có thể quá trình giải quyết vụ án sẽ kéo dài trong khi gia đình tôi đang cần sổ đỏ để bán nhà, giải quyết nhu cầu của gia đình” - ông Kiệt bức xúc.

Phải chờ án có hiệu lực pháp luật

Theo khoản 2 Điều 47 BLHS, đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS cũng quy định trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án. Như vậy, trong vụ trên, CQĐT chỉ có thể trả lại giấy chủ quyền cho ông Kiệt nếu xét thấy vật chứng này không cần thiết giữ lại để phục vụ việc xét xử, thi hành án.

Tuy nhiên, ông Kiệt bị tráo giấy chủ quyền thật, liên quan đến tài sản có giá trị lên đến nhiều tỉ đồng. Người phạm tội đã sử dụng giấy tờ thật của ông Kiệt làm công cụ, phương tiện phạm tội, lừa bán nhà cho người khác. Do đó, việc trả lại giấy chủ quyền thật cho ông Kiệt có thể ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người thứ ba, ảnh hưởng đến phán quyết của HĐXX cũng như việc thi hành bản án sau này của cơ quan thi hành án. Do đó, việc CQĐT không trả ngay cho ông Kiệt là đảm bảo việc giải quyết vụ án sau này được triệt để, toàn diện và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên…

(Theo Pháp luật TP.HCM)