Mục tiêu của Kế hoạch Tổng thế phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ là đến năm 2020, một phần ba dân số sẽ tham gia mua hàng qua mạng, với giá trị mua hàng trung bình đạt 350 USD/người/năm.

Được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành ngày 8/8 vừa qua, Kế hoạch Tổng thể xác định TMĐT là một kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại và của xã hội thông tin, giúp doanh nghiệp VN đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu; tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập.

{keywords}
Ước tính sẽ có 30% dân số VN tham gia mua hàng trực tuyến vào năm 2020

Sau 5 năm nữa, Việt Nam cần phải hoàn thiện được hạ tầng pháp lý, cùng với việc xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT; Xây dựng mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng bao phủ tất cả các tỉnh, thành trên cả nước; từng bước mở rộng ra khu vực để đẩy mạnh TMĐT xuyên biên giới;

Đặc biệt, cần phải hình thành được một hạ tầng an toàn, an ninh cho TMĐT với việc thiết lập các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch, đánh giá tín nhiệm website TMĐT và chứng thực chứng từ điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT.... để bảo vệ quyền lợi người dùng một cách chính đáng.

Về quy mô thị trường, Kế hoạch tổng thể đặt mục tiêu 30% dân số tham gia mua hàng trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; Doanh số TMĐT B2C tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020; chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; Giao dịch TMĐT B2B chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu...

50% doanh nghiệp có website để bán sản phẩm; 80% thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng TMĐT; 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối lớn cho phép người dùng thanh toán không dùng tiền mặt (thông qua máy POS); 70% các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông, truyền hình chấp nhận thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt; 50% số hộ gia đình ở thành phố lớn không sử dụng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng... Hình thành được một số doanh nghiệp TMĐT có uy tín trong khu vực Đông Nam Á.

Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể như Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi những quy định mang tính rào cản cho việc ứng dụng TMĐT như quy định về khuyến mại, quảng cáo và bán hàng trực tuyến; Khuyến khích DN sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng; Ban hành chính sách và khuyến khích doanh nghiệp phát triển, ứng dụng các tiện ích thanh toán điện tử; Xây dựng bộ máy, cơ chế giải quyết kịp thời các tranh chấp, vấn đề phát sinh trong TMĐT; Khuyến khích phát triển các ứng dụng TMĐT trên nền di động; Khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp bằng các mô hình TĐMT; Phát triển TMĐT ở một số vùng và lĩnh vực trọng điểm, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực....

T.C