Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đã hướng dẫn những người đứng đầu các cơ quan chính phủ làm đơn kiện chống lại Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) vì những thiệt hại do việc chiếm đóng các tòa nhà mà người biểu tình chống chính phủ gây ra.
TIN BÀI KHÁC:
Người biểu Thái Lan bao vây lối vào Bộ Ngoại giao Thái Lan. (Ảnh: AP) |
Bà Yingluck hôm qua (25/2) đã đề nghị các bộ trưởng nội các hoàn tất hồ sơ về những thiệt hại đối với các tòa nhà và những chi phí vượt trội dùng để thuê văn phòng tạm thời trong suốt chiến dịch "đóng cửa" của PDRC, phó phát ngôn viên chính phủ Pakdiharn Himathongkham cho biết.
Những thông tin này cần được sử dụng để hỗ trợ việc tố tụng dân sự chống lại PDRC, ông nói.
Thủ tướng tạm quyền cũng yêu cầu các bộ trưởng đánh giá mức độ an toàn tại bộ của mình. Nếu cần được hỗ trợ thêm từ cơ quan an ninh, họ cần gửi yêu cầu tới Trung tâm Duy trì Trật tự và Hòa bình, Pakdiharn Himathongkham nói thêm.
PDRC đã bao vây một vài cơ quan nhà nước trong vài tháng qua nhằm lật đổ chính quyền.
Nhiều cơ quan đã phải chuyển sang các văn phòng tạm thời. Trong khi, một số khác phải đóng cửa khi người biểu tình phong tỏa các con đường, cản trở các công chức tới sở nhiệm.
PDRC hôm qua tiếp tục vây hãm các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp được cho là có liên quan tới gia tộc Shinawatra.
Rachane Trakulviang, lãnh đạo PDRC tại Nonthaburi, dẫn đầu một đoàn biểu tình bao vây văn phòng của Bộ trưởng Y tế Pradit Sintawanarong.
Tuy nhiên, ông Pradit không có mặt tại văn phòng trong suốt cuộc tuần hành của PDRC. Thư ký của ông, Kamol Bandaipetch, đã gặp mặt những người biểu tình nhưng không thương lượng được với họ.
Ông Kamol sau đó đã làm đơn kiện lên sở cảnh sát Mueang Nonthaburi và cáo buộc PDRC đã cầm chân các quan chức y tế một cách bất hợp pháp. Trong khi đó, khoảng 400 tình nguyện viên y tế tại Bangkok đã tập trung tại Bộ Y tế Công cộng để yêu cầu thư ký thường trực Narong Sahametapat và các quan chức y tế duy trì trung lập về chính trị.
Ông Narong, người đứng đầu Mạng lưới Y tế Thái Lan, vốn yêu cầu chính phủ từ chức.
Cùng ngày, các quan chức an ninh và quân đội Thái Lan cảnh báo nước này có thể rơi vào nội chiến sau một làn sóng bạo lực chính trị, khiến 21 người thiệt mạng, trong đó có vài trẻ em.
Các vụ nổ súng và tấn công lựu đạn nhằm vào người biểu tình xảy ra gần như hàng ngày tại thủ đô Bangkok trong gần bốn tháng qua đã làm làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng có thể tiếp tục và bước vào một giai đoạn mới, ẩn chứa nhiều nguy hiểm khi cả hai phía đều không chịu nhường bước.
Hơn 700 người đã bị thương từ sau khi các cuộc biểu tình nổ ra nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và kết thúc thời kì thống trị chính trị của gia tộc tỷ phú của bà.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Giám đốc Cơ quan Điều tra Đặc biệt (DSI), Tarit Pengdith cảnh báo tình hình có thể “leo thang thành nội chiến” và kêu gọi “sự kiềm chế và kiên nhẫn” ở cả hai phe phái chính trị riêng rẽ.
Bình luận của ông Tarit cũng tương tự cảnh báo của người đứng đầu lực lượng quân đội Thái Lan, tướng Prayut Chan-O-Cha.
"Tất nhiên, sẽ có nội chiến nếu các bên không tuân thủ luật", ông Prayut nói, "Nhưng quân đội sẽ làm tất cả để bảo vệ đất nước và người dân…"
Sầm Hoa (Theo Bangkokpost/CNA)