Chính phủ yêu cầu thí điểm các mô hình phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị xanh |
Mới đây, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019. Mục tiêu của Chính phủ bên cạnh đó, khơi thông nguồn lực, thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, điện, năng lượng, như dự án đường bộ cao tốc…. Chính phủ sẽ phát huy vai trò động lực phát triển của các đô thị, thúc đẩy mạnh mẽ đô thị hóa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, ngập úng tại các đô thị lớn, đô thị ven biển. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc thực hiện thí điểm các mô hình phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị xanh... Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 39,2%; khoảng 88% người dân đô thị được cung cấp nước sạch và 87% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu phải phát triển bứt phá hạ tầng viễn thông, Internet băng rộng, mạng di động 5G.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%. Thủ đô Hà Nội hiện được coi là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Nhu cầu xây dựng một Thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết.
Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.
Hiện nhiều địa phương đã và đang triển khai thành phố thông minh như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Đồng Nai…
Phát biểu trong một hội nghị về thành phố thông minh, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Nhiều câu hỏi được đặt ra với Hà Nội nói riêng và các thành phố, đô thị nói chung, đó là: mô hình nào, phương thức nào để phát triển đô thị thông minh, tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố thông minh? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp... sẽ được thực hiện như thế nào?”.
Theo ông Chung, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch với mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh, triển khai các thành phần cơ bản được ưu tiên xây dựng là Trung tâm điều hành thông minh, Hệ thống giao thông thông minh và Hệ thống du lịch thông minh. Cùng với nhiều đơn vị tổ chức hội nghị quốc tế quy mô lớn với sự tham gia của hơn 10 quốc gia cùng các tỉnh, thành phố trong nước này, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội kỳ vọng các chuyên gia đầu ngành về thành phố thông minh, các nhà quản lý, hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam tại Hội nghị sẽ trực tiếp trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể giúp cho Hà Nội và các thành phố khác tại Việt Nam trong việc xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.