Chắt lọc 'tinh hoa' để làm chủ quy trình sản xuất

Chia sẻ câu chuyện kinh doanh, ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hanel PT, cho hay, ngay ngày đầu thành lập (năm 2000), Công ty Cổ phần Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) tập trung 100% hoạt động vào lĩnh vực sản xuất gia công và lắp ráp linh kiện điện tử công nghệ cao cho các đối tác Nhật Bản và một số thị trường khác.

Từ năm 2017, Hanel PT đầu tư thêm mảng sản xuất lắp ráp bảng mạch điện tử, đang cung cấp cho 2 đối tác FDI rất lớn tại Việt Nam.

"Xuất phát điểm, Hanel PT triển khai dịch vụ lắp ráp gia công, dựa trên quy trình công nghệ và máy móc do khách hàng cung cấp. Tới nay, chúng tôi đã phát triển lên mức cao nhất - trở thành nhà cung cấp dịch vụ OEM/ODM (sản xuất thiết bị gốc/sản xuất thiết kế gốc). Hanel PT đã làm chủ cả về thiết kế, thiết lập quy trình sản xuất, quản lý chất lượng và cung ứng sản phẩm trực tiếp cho nhiều đối tác, doanh nghiệp toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam”, ông Trần Đức Tùng chia sẻ.

Ong Tung Hanel PT.jpg
Ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hanel PT. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài từ rất sớm, khi ngành điện tử Việt còn chưa khởi sắc, Hanel PT có rất nhiều lợi thế.

Hanel PT nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của đối tác Nhật Bản, từ chuyển giao công nghệ tới chia sẻ phương thức quản lý sản xuất - chất lượng, cải tiến hệ thống, văn hóa doanh nghiệp... Qua 24 năm tích lũy, học hỏi, công ty đã duy trì, phát triển hệ thống sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của những khách hàng khó tính nhất trong lĩnh vực sản xuất ô tô.

"Chúng tôi tự hào là nhà cung cấp trực tiếp sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp điện tử Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu mà không phải qua trung gian. Điều này giúp công việc được xử lý nhanh chóng và hiệu quả cao”, vị phó tổng giám đốc kể.

Trong quá trình gia công cho các tập đoàn đa quốc gia thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô,... Hanel PT không ngừng học hỏi và chắt lọc “tinh hoa” của đối tác, nỗ lực vượt qua những kỳ đánh giá khắt khe của doanh nghiệp hàng đầu quốc tế, tích lũy tri thức cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển). Doanh nghiệp liên tục đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2016, dựa trên nền tảng kiến thức, kinh nghiệm làm việc với đối tác Nhật Bản lâu năm, Hanel PT đưa ra thị trường sản phẩm máy sấy lạnh thông minh tăng tốc Sasaki. Sản phẩm này do Hanel PT tự thiết kế, lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam, cung ứng cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.

“Khoảng 10 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt xuất hiện trong các chuỗi cung ứng sản xuất cơ khí, nhựa và bao bì của Nhật Bản ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực điện tử, chưa nhiều doanh nghiệp Việt đủ kinh nghiệm và khả năng xây dựng hệ thống sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn của Nhật”, ông Tùng nhận định.

Với trải nghiệm của “người trong cuộc”, lãnh đạo Hanel PT chia sẻ một số khuyến nghị tới những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt muốn mở rộng kết nối với đối tác Nhật.

Trước hết, doanh nghiệp Nhật rất chú trọng chất lượng và sự ổn định, lâu dài. Vì thế, doanh nghiệp Việt phải có sự đầu tư rất bài bản về hệ thống, chiến lược, quản trị. Con đường chinh phục đối tác Nhật nhanh nhất hiện nay là xây dựng mô hình doanh nghiệp phát triển bền vững, nhưng khá gian nan. Doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật mới để tối ưu quy trình sản xuất. 

Mặt khác, doanh nghiệp điện tử Nhật rất quan tâm về giá thành. Doanh nghiệp FDI của Nhật ở Việt Nam cũng có lợi thế về nhân công giống như doanh nghiệp Việt Nam. Nếu muốn có điểm cộng, doanh nghiệp Việt cần nâng cao khả năng quản trị nhằm tối ưu chi phí, tìm kiếm những nguồn cung ứng nguyên vật liệu có giá thành cạnh tranh hơn.

Văn hóa cũng là một yếu tố rất quan trọng. Người Nhật có đặc điểm: Cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định hợp tác, đã hợp tác thì sẽ đi với nhau đường dài.

“Doanh nghiệp Việt phải thấu hiểu văn hóa khách hàng Nhật, xây dựng được hệ thống phù hợp với các tiêu chuẩn Nhật. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ quản lý, khả năng quản trị chiến lược cho doanh nghiệp Việt có mong muốn phát triển kinh doanh bền vững theo văn hóa của Nhật”, ông Tùng lưu ý.

Hanel PT 2.jpg
Hanel PT đang mở rộng dây chuyền SMT (công nghệ dán bề mặt) để nâng gấp đôi công suất vào cuối năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Muốn phát triển bền vững, không thể 'xanh' một mình

Danh mục sản phẩm xuất khẩu chủ lực nhiều năm nay của Hanel PT gồm bảng mạch điện tử cung cấp cho các lĩnh vực về máy in, gia dụng...

4 năm qua, kinh tế thế giới và trong nước liên tục trải qua khó khăn, từ Covid-19 đến suy thoái thời kỳ hậu đại dịch. Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ”. Thị trường điện tử và máy in bùng nổ, nhu cầu tăng trưởng rất cao, nên Hanel PT tăng trưởng đều đặn hàng năm. 

Doanh thu xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024 tăng 140% so với cùng kỳ năm 2023, giải quyết việc làm cho 250 lao động, bảo đảm thu nhập bình quân từ 8- 10 triệu đồng/người/tháng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước.

Doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng thêm dây chuyền SMT (công nghệ dán bề mặt) để nâng gấp đôi công suất vào cuối năm nay.

“Ngoài thị trường Nhật Bản, 5 năm qua, Hanel PT không ngừng tìm kiếm, mở rộng danh sách đối tác chiến lược quốc tế. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thị trường Mỹ, châu Âu và một số thị trường khác”, ông Tùng cho hay. 

Là thành viên tích cực của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Hanel PT có nhiều cơ hội tham gia các đoàn công tác nước ngoài của Chính phủ, các bộ, ngành, thường xuyên dự các triển lãm quốc tế để học hỏi công nghệ mới. Tháng 6 vừa qua, doanh nghiệp đã có mặt tại JPCA - triển lãm điện tử quy mô hàng đầu Nhật Bản do Hiệp hội Mạch và bao bì điện tử Nhật Bản tổ chức ở Tokyo. 

Hanel PT đang tích cực tìm kiếm các cơ hội mới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn thông qua các sự kiện quốc tế chuyên ngành trong nước và quốc tế, như hội nghị bán dẫn tại Penang (Malaysia) mới đây, với mong muốn trong tương lai gần có thể phát triển kinh doanh sản phẩm bán dẫn - một trong những ngành có giá trị chất xám cao.

Hanel PT 1.jpg
Hanel PT ghi tên trong Top 10 doanh nghiệp xuất sắc nhất của Sáng kiến ESG Việt Nam năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hanel PT xác định sẽ trở thành "doanh nghiệp xanh", phát triển bền vững. Đây là con đường tất yếu phải đi nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia và phát triển lâu dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp không thể “xanh” một mình mà cần thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng xanh, các nhà cung cấp trong chuỗi đều phải xanh.

Ông Trần Đức Tùng cho rằng, trong lĩnh vực điện tử, “doanh nghiệp xanh”, “sản xuất xanh” dần trở thành tiêu chí phổ biến của đơn hàng quốc tế. Chỉ khoảng 2 năm nữa, tại các thị trường tiêu dùng khó tính như Mỹ, châu Âu…, với một số lĩnh vực thâm dụng lao động, “xanh” sẽ trở thành tiêu chí bắt buộc chứ không dừng ở mức khuyến khích.  

Mới đây, Hanel PT vừa đón tin vui: Có tên trong Top 10 doanh nghiệp xuất sắc nhất của Sáng kiến ESG Việt Nam năm 2024, do Bộ KH-ĐT và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức. 

Theo Phó Tổng giám đốc Hanel PT, phát triển bền vững đã trở thành một trong những key word (từ khóa chính) của nền kinh tế thế giới. 

Chính phủ, các tổ chức, đối tác quốc tế đang dành khá nhiều chính sách ưu đãi và nguồn lực hỗ trợ khuyến khích mô hình doanh nghiệp phát triển bền vững. Hầu hết khách hàng, đối tác quốc tế đều muốn doanh nghiệp Việt có chiến lược phát triển bền vững để đi được đường dài. 

Tuy nhiên, triển khai mô hình phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ vấp phải không ít thách thức.

“Để phát triển bền vững sẽ phải đầu tư nhiều hơn, có chính sách tăng phúc lợi cho người lao động, đảm bảo các yêu cầu về lương, chuyển đổi năng lượng xanh... Trong ngắn hạn, chi phí đầu tư tăng lên, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, áp lực cạnh tranh về giá lớn hơn rất nhiều. Nhưng bù lại, doanh nghiệp sẽ được người tiêu dùng và khách hàng coi trọng hơn, đây chính là tiền đề cho sự tăng trưởng lâu dài”, ông Tùng phân tích.