Xa hơn cột cờ Lũng Cú về phía bắc vài km là điểm cực bắc thực sự của Tổ quốc. Tất cả những người yêu khám phá đều mơ ước được một lần đến đây.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng điểm cực bắc của Việt Nam là cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang, nhưng biên giới của chúng ta còn xa hơn nhiều. Theo tài liệu của biên phòng Việt Nam, vị trí này nằm ở trung tuyến dòng sông Nho Quế. Đến nay, chỉ có vài khách du lịch chạm tay vào vị trí thiêng liêng này. Chúng tôi với 4 thành viên bắt đầu hành trình vào một sáng mùa xuân đầu năm Ất Mùi, sau khi làm thủ tục xin phép với biên phòng Lũng Cú. Từ xã Lũng Cú, đoàn chạy xe máy về bản Xéo Lủng, rồi từ đây vượt qua những con đường đá hộc để đến đỉnh cao hướng xuống lòng sông. Từ đây, chúng tôi bỏ lại xe máy và bắt đầu leo bộ. Với những con dốc đổ dài, cả đoàn phải bám vào cỏ để leo xuống. Mặc dù đã có tìm hiểu trước thông tin về đường đi, thực tế khác xa rất nhiều và chúng tôi bị lạc, không tìm được con đường mòn mà người dân đã đi. Vậy là cả đoàn phải chọn giải pháp sẽ tuột theo triền dốc xuống lòng sông. Điều không may mắn là chỉ mới chừng 30 phút tuột dốc, đoàn đã gặp đám cháy rừng. Việc leo ngược lên lại là điều không thể, vì con dốc quá đứng. Chúng tôi vội chuyển hướng sang phải, vòng ra phía sau hướng gió để tránh ngọn lửa đang lan rộng. Sau đó là hơn 6 giờ đồng hồ tiếp tục trượt theo sườn dốc đến lòng sông trong sự mệt mỏi rã rời. Do phải nắm cỏ trượt xuống cùng băng qua nhiều gai góc dọc đường, tay chân các thành viên bị cào xước nhiều. Do ban đầu đánh giá thông tin chưa chuẩn xác, chúng tôi không có sự chuẩn bị chu đáo, không mang theo lương thực, nước uống. Vậy nên, ngụm nước đầu tiên tại dòng sông Nho Quế quá đỗi tuyệt vời. Lúc này, có thời gian nghỉ ngơi tiếp nước, sức khỏe các thành viên trong đoàn phục hồi phần nào. Bạn Lê Phúc lần đầu tiên phượt Tây Bắc, cũng là lần đầu tiên phải "chiến đấu" với hành trình gian nan này nên rất mệt mỏi. Lúc này theo định vị của GPS (hệ thông định vị vệ tinh toàn cầu) chúng tôi đang ở phía bên phải của điểm cực bắc, cách khoảng 300 m. Vậy là lại tiếp tục hành trình hướng về cực bắc, men theo những bãi đá dọc theo dòng sông Nho Quế. Phía bên kia dòng sông là lãnh thổ của Trung Quốc. Mọi gian nan vẫn chưa kết thúc. Đi được một đoạn thì hết đường đi dọc theo dòng sông, đoàn phải men theo các vách đá cao để đi tiếp. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm với con đường đầy lá khô mục chỉ rộng vài bước chân. Mọi sơ suất đều có thể gây ra tai nạn đáng tiếc. Anh Thanh Hải - người có kinh nghiệm nhiều năm đi rừng và biên giới - đi mở đường. Đúng 15h24 phút ngày 28/2, đoàn chúng tôi chạm tay vào điểm cực bắc Việt Nam. Bao mệt mỏi, nỗ lực đều được trả công xứng đáng. Hai bạn nữ Thảo Nguyên, Trinh Phan trong đoàn là những cô gái đầu tiên tới đây. Thảo Nguyên tại điểm cực bắc của Việt Nam. Sau lưng cô, dòng sông Nho Quê cuộn sóng xanh biếc. Nén giữ niềm vui, chúng tôi phải vội về vì trời đã chiều mà đường còn quá xa. Chúng tôi cố gắng tìm ra con đường mòn người dân đi, nếu không, chắc chắn sẽ không về kịp, mà đi rừng trong đêm tối là điều cực kỳ nguy hiểm. Lại tiếp tục căng thẳng để vượt qua những vách đá cheo leo bên bờ vực sâu. May mắn, đoàn đã tìm được đường mòn của người dân xuống sông đánh cá. Chúng tôi vội vàng vượt dốc trong ánh chiều đã sập. Nét mệt mỏi tràn trên khuôn mặt của các thành viên. Chúng tôi vẫn cố gắng nhanh nhất để ra khỏi rừng. Những phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi dừng lại nghỉ mệt cũng để chúng tôi được sống trong những khoảnh khắc đặc biệt nơi địa đầu Tổ quốc. |
Khi tia nắng cuối cùng khuất sau dãy núi xa cũng là lúc chúng tôi vượt qua rừng và lên đến bản Xéo Lủng. Với sự giúp đỡ của Sùng Mí Mỉ - Bí thư xã - chúng tôi được tiếp tế nước và lương thực ngày, trở lại Lũng Cú. |
(Theo Zing.vn)