- Để phù hợp với thể chế nhà nước hiện nay, Việt Nam cần tổ chức Ban quản lý khai thác cảng biển theo mô hình Chính quyền cảng và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam...

Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài, với phần lớn lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, vận tải biển trở thành huyết mạch chính trong hệ thống lưu thông của nền kinh tế.

Nằm ở vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi, lại gần các tuyến đường hàng hải quốc tế là điều kiện tốt để Việt Nam phát triển cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu và cảng trung chuyển quốc tế.

Đặc biệt để đưa nền kinh tế biển lên vị trí số một thì việc phát triển hệ thống cảng biển có vai trò hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cầu bến cảng theo nhiều mô hình đã dẫn đến những tồn tại, bất cập.

Cụ thể, phương thức giao vùng đất, vùng nước và cho các tổ chức đầu tư xây dựng riêng lẻ cầu bến cảng trong khu vực cảng biển như hiện nay đã xé nhỏ quy hoạch cảng, tạo ra sự manh mún, thiếu thống nhất, đồng bộ trong phát triển cảng; mất cơ hội mở rộng, đón tàu cỡ lớn vào cảng.

Không có cơ quan quản lý khai thác cảng thống nhất để định hướng tổng thể quản lý khai thác theo đúng quy hoạch và điều chỉnh, mở rộng khi cần thiết, bảo đảm hiệu quả trong khai thác cảng biển.

{keywords}
Để đưa nền kinh tế biển lên vị trí số một thì việc phát triển hệ thống cảng biển có vai trò hết sức quan trọng.

Việc Nhà nước đầu tư cả kiến trúc thượng tầng cảng biển (kho bãi, nhà xưởng, cần cẩu, phương tiện, trang thiết bị phục vụ bốc dỡ hàng hoá...) làm phân tán nguồn lực nhà nước không cần thiết và không tận dụng, thu hút được nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư xây dựng cảng biển.

Ngoài ra việc giao kết cấu hạ tầng cảng biển được xây dựng từ nguồn vốn nhà nước cho doanh nghiệp quản lý khai thác không thông qua đấu thầu công khai làm giảm hiệu quả khai thác cảng và không lựa chọn được nhà đầu tư khai thác thực sự có năng lực.

Việc giao cho một doanh nghiệp nhà nước (tập đoàn, tổng công ty) cùng lúc quản lý, khai thác cả lĩnh vực cảng biển và vận tải biển dẫn đến doanh nghiệp không có đủ khả năng tài chính để đầu tư xây dựng cảng biển theo quy hoạch.

Mặt khác, do vừa kinh doanh vận tải biển, vừa quản lý khai thác cảng biển nên có nguy cơ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải biển khác trong sử dụng cầu bến cảng được giao quản lý khai thác.

Đặc biệt, việc giao toàn bộ vùng đất, vùng nước cầu, bến cảng biển tại những vị trí đắc địa cho nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp đầu tư xây dựng và khai thác, vô hình chung làm cho lợi nhuận sinh ra từ lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của cảng biển được chuyển cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thêm nữa, việc cho phép doanh nghiệp khai thác cảng (kể cả doanh nghiệp nước ngoài) được thu phí cầu bến và đưa vào doanh thu của doanh nghiệp như hiện nay là chưa phù hợp; đặc biệt là đối với những bến cảng biển được đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn nhà nước.

Có thể gặp khó khăn trong trường hợp khẩn cấp cần huy động, sử dụng cầu bến cảng vì mục đích an ninh, quốc phòng, phòng chống bệnh dịch, tình trạng khẩn cấp…

Qua nghiên cứu thực tế các mô hình tổ chức quản lý cảng biển của các nước trên thế giới cho thấy mô hình "Chính quyền cảng" có nhiều ưu điểm và được đa số các nước phát triển áp dụng.

Theo mô hình này, Chính quyền cảng được quyền sở hữu toàn bộ vùng đất, vùng nước cảng biển và khu hậu cần sau cảng, chủ động phân kỳ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cầu bến cảng biển theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu thông qua hàng hóa tại khu vực; tổ chức cho các thành phần kinh tế tư nhân thuê khai thác kết cấu hạ tầng cầu bến cảng đồng thời thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước theo phân cấp.

Để phù hợp với thể chế nhà nước hiện nay, Việt Nam cần tổ chức Ban quản lý khai thác cảng theo mô hình Chính quyền cảng có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Theo đó Ban quản lý khai thác cảng cần có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể.

Đó là được giao quyền sử dụng vùng đất, vùng nước cảng biển và khu hậu cần sau cảng. Lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng theo từng giai đoạn trình Bộ GTVT phê duyệt.

Lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển khu hậu cần sau cảng theo từng giai đoạn trình UBND tỉnh, thành phố nơi có cảng biển phê duyệt; Tổ chức đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng theo quy hoạch được duyệt.

Ngoài ra cũng được quyền huy động các nguồn vốn hợp pháp trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng theo quy định của pháp luật.

Tổ chức đấu thầu cho thuê khai thác hoặc các hình thức khai thác khác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ theo quy định của pháp luật.

{keywords}
Phát triển mô hình chính quền cảng sẽ khắc phục được những bất cập, tồn tại hiện hữu, bảo đảm xây dựng và phát triển cảng biển theo đúng quy hoạch, định hướng chiến lược.

Ngoài ra cũng cần kiểm tra, giám sát việc xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ theo quy hoạch và công năng được duyệt.

Tổ chức khai thác cảng biển, khu hậu cần sau cảng trong vùng đất, vùng nước được giao; Tổ chức duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ...

Việc áp dụng mô hình quản lý khai thác cảng như trên sẽ khắc phục được những bất cập, tồn tại hiện hữu, bảo đảm xây dựng và phát triển cảng biển theo đúng quy hoạch, định hướng chiến lược.

Đặc biệt sẽ khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, cung vượt cầu; từ đó phát huy tối đa hiệu quả trong hoạt động khai thác cảng biển, khu đất sau cảng.

Huy động được nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển; Phát huy ưu thế và tính linh hoạt trong quản lý và khai thác cảng biển, đặc biệt từ thành phần tư nhân.

Thu hồi được toàn bộ nguồn thu phí, lệ phí cảng biển và giá trị có được từ lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của cảng biển; Bảo đảm lựa chọn được nhà khai thác cảng có năng lực, hiệu quả với giá cho thuê tối ưu nhất.

Tuy nhiên, “chính quyền cảng” trong giai đoạn trước mắt chỉ áp dụng tại các các khu vực cảng biển trọng điểm quốc gia, bắt đầu được đầu tư xây dựng như Lạch Huyện - Hải Phòng, Vân Phong - Khánh Hòa, từng bước hoàn thiện và áp dụng đối với các cảng biển trọng điểm khác trong tương lai.

Việc xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại với mô hình và tổ chức quản lý cảng biển hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và điều kiện thực tế tại Việt Nam là cần thiết nhằm bảo đảm lưu thông hàng hoá, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Th.s Vũ Thế Quang