Tại Hội thảo khoa học: “Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp” tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM vào chiều ngày 10.1, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã trở thành một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của TP.HCM.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội thảo |
Hiện nay, bình quân mỗi năm, TP.HCM giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%.
Công tác giải quyết việc làm cho sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố cũng đạt được những kết quả tích cực. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại thành phố đạt 72,3%.
Ông Phong cho biết thành phố đã thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học với 46 trường đại học thành viên, xây dựng một cộng đồng 372.000 doanh nghiệp, tổng số sinh viên hiện tại trên địa bàn thành phố đã đạt gần 400.000.
Theo ông Phong, đây là cơ sở quan trọng để phát huy nguồn lực giáo dục đại học, đồng thời thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong việc đào tạo và giải quyết việc làm. Từ đó tạo nhiều cơ hội hơn cho sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Phong, việc giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn nhiều thách thức mà một trong những hạn chế chủ yếu là do chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo trong nhà trường và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Nói về câu chuyện vừa qua, có một tờ báo quốc tế đăng bài viết về tình trạng sinh viên nước ta tốt nghiệp đại học nhưng phải đi làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức với thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng, ông Phong cho rằng “Việc này cũng là chính đáng, song điều này cho thấy một nỗi trăn trở lớn khi hoài bão và ước mơ đi vào ngõ cụt sau những năm học hành trên giảng đường”.
Ông Phong khẳng định “Giải quyết việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của chính quyền đối với xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động, tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, để giảm thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp”.
Phương Chi
Thanh niên thất nghiệp giảm, cử nhân đại học thất nghiệp tăng
Theo bản tin Cập nhật thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số 15, quý 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” đã tăng 53,9 nghìn so với quý 2.
Thất nghiệp tuổi 35: Nhiều người ngủ quên từ khi 25 tuổi
Trong một giấc mơ nhàn hạ mà họ vừa ao ước, vừa thấy buồn chán là cuộc đời họ cứ đơn giản như thế mà lướt, tới ngày tuổi 60, nghỉ hưu cái xoạch là xong. Hạ cánh an toàn!