Chính phủ mới của Ukraina đang theo đuổi các cuộc đàm phán với phe li khai ở miền đông nhằm vận động họ rời khỏi các tòa nhà công quyền và khôi phục trật tự trong vùng. Tuy nhiên, kết quả đến nay hoàn toàn ngược lại.

TIN BÀI LIÊN QUAN: 

Khủng hoảng Ukraina: Nga đe, Mỹ dọa
Miền đông Ukraina hỗn loạn vì bạo lực

Nga, Mỹ, Ukraina gay gắt trong làn sóng bạo lực mới

{keywords}
Người biểu tình ở miền đông không những không nhượng bộ Kiev mà họ còn chiếm giữ thêm nhiều tòa nhà nữa. (Ảnh: AP)

Yulia Tymoshenko, cựu Phó Thủ tướng và là Chủ tịch đảng Fatherland - đảng dẫn đầu chính phủ tạm quyền ở Kiev - đã bắt đầu nỗ lực hòa giải hồi tuần trước, khi bà tới Donetsk và Lugansk, hai thành trì của phe li khai.

Serhiy Taruta, Thống đốc ủng hộ Kiev của vùng Donetsk, đã dẫn đầu một nỗ lực đàm phán riêng rẽ với các đại diện li khai trong suốt 3 tuần qua.

"Kết quả của tiến trình này sẽ là giải tỏa các tòa nhà và yêu cầu hạ vũ khí", Roman Svitan, một cố vấn an ninh của ông Tatuta, cho biết. Tuy nhiên, ông này nói thêm: "Nếu không, không loại trừ việc cảnh sát sẽ có hành động". 

Thách thức cho chính quyền Ukraina và các lãnh đạo thân Kiev ở miền đông là làm thế nào xoa dịu được tình hình, mà nếu xử lý tồi có thể dẫn đến máu đổ. Bên cạnh đó là tránh được việc khuyến khích các nhà hoạt động mà họ tin là được Moscow đỡ đầu.

Mặc dù quân đội Ukraina đã bắt đầu chiến dịch trấn áp những người li khai hôm 24/4 bằng cách tấn công một số chốt chặn dẫn vào đại bản doanh Slavyansk của phe nổi dậy, họ đã phải sớm rút về các đồn bốt của mình trên đường ở cách xa thị trấn này.

Các chính trị gia ủng hộ Kiev cho biết, họ đang đàm phán với phe li khai bởi vì lựa chọn quân sự là rất khó dự đoán. Ngoài Slavyansk, phe li khai còn chiếm hàng chục tòa nhà khác và dựng lên nhiều chốt chặn ngay cạnh những nơi mà người lớn làm việc còn trẻ nhỏ chơi đùa.

Ở Lugansk, vài trăm nam giới có vũ trang đang chiếm đóng một tòa nhà an ninh của chính quyền cũ và dùng cơ sở này để cất trữ súng đạn.

Nếu Kiev vụng về giải tán họ bằng bạo lực, dẫn đến thương vong lớn thì nó sẽ tạo ra những con người cảm tử thân Kremlin và tăng cơ hội cho Moscow can thiệp, trong bối cảnh Nga đang có các cuộc tập trận gần biên giới Ukraina. 

Các cuộc thương lượng bao trùm một số lĩnh vực nòng cốt vốn là tâm điểm của những bất bình lâu nay của người dân miền đông: nâng cao vị thế của tiếng Nga và phân tán quyền lực từ Kiev. Phe nổi dậy còn muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm tạo ra "Cộng hòa Nhân dân Donbass" và đòi ân xá cho những người tham gia làn sóng nổi dậy.

Các nhà chức trách ở Kiev thừa nhận các khoảng cách cần phải thu hẹp này là quá lớn. Tuy hầu hết ủng hộ ý kiến chuyển giao trách nhiệm thu thuế cho địa phương và nhiều quyền khác cho khu vực, "chế độ liên bang" đã trở thành một cụm từ "bị vấy bẩn".

Một sự nhất trí về thời gian và ngôn từ của một cuộc trưng cầu dân ý sẽ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

Ông Taruta và các quan chức ủng hộ Kiev khác cho rằng, một cuộc trưng cầu dân ý  địa phương, chỉ được tổ chức ở vùng Donbass, sẽ là trái phép theo luật Ukraina. Một số người nói họ có thể sẵn sàng tham khảo ý kiến của các cử tri về việc nới lỏng ràng buộc với trung ương trong một câu hỏi được ghi trên phiếu bầu vào ngày 25/5, ngày dự kiến bầu cử Tổng thống Ukraina.

Nhiều người Ukraina tiếp nhận nỗ lực hòa giải của bà Tymoshenko với thái độ hoài nghi, mô tả đó như một cuộc vận động bầu cử ở miền đông, khu vực mà không một ứng viên thành công nào cần đến để giành chiến thắng. "Nữ hoàng tóc tết" hiện đang đứng thứ hai sau tỷ phú Petro Porushenko trong các cuộc thăm dò dư luận về khoảng cách của các ứng viên Tổng thống Ukraina.

"Đây không phải là một cuộc xung đột giữa đông và tây. Đây là cuộc xung đột giữa Ukraina và Nga", Vadim Karasev, Giám đốc Viện Chiến lược toàn cầu, một tổ chức cố vấn ở Kiev, nhận định. "Họ [chính phủ ở Kiev] cần nói chuyện với [Tổng thống Nga] Vladimir Putin".

Thanh Hảo