Hồ Tây thơ mộng, đẹp đẽ đi vào thơ ca trước kia thì nay đi vào lòng người bằng cụm từ “ô nhiễm nặng”. Với tình trạng ô nhiễm như hiện nay, chẳng mấy chốc Hồ Tây sẽ biến thành dòng Tô Lịch, Kim Ngưu thứ 2, thứ 3… Tới lúc ấy, không biết sẽ phải bỏ bao nhiêu tiền mới có thể cứu Hồ Tây sống lại.
Chuyện ô nhiễm ở Hồ Tây không mới, đã được các phương tiện truyền thông phản ánh rất nhiều những mong cứu được Hồ Tây trước khi quá muộn. Và Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất phương án di dời các bến tàu thủy nội địa trên Hồ Tây về khu vực Đầm Bảy thuộc phường Nhật Tân.
Sau đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ra quyết định việc di dời các du thuyền phải thực hiện trước tháng 10/2015.
Thế nhưng bất chấp quyết định của UBND Hà Nội, tính tới giờ đã gần hết năm 2015 mà các nhà nổi, du thuyền vẫn chình ình tồn tại, mọi hoạt động, dịch vụ, khách khứa vẫn tấp nập như chưa hề nhận quyết định buộc phải di dời.
Để làm rõ tại sao đã quá thời hạn mà các du thuyền nhà nổi tại Hồ Tây vẫn chưa di dời theo quyết định của UBND Hà Nội, chúng tôi đã đến UBND quận Tây Hồ, đặt lịch làm việc với ông Chủ tịch quận, kiêm Trưởng Ban quản lý Hồ Tây - Đỗ Anh Tuấn.
|
Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt tại UBND quận Tây Hồ vào lúc 14h ngày 16/12/2015 thì tại đây bộ phận Văn thư vẫn tắt đèn tối om, không có vẻ gì là đã tới giờ làm việc.
Thật không thể hiểu nổi tại sao một cơ quan như UBND quận tại Thủ đô lại có phong cách làm việc vô tổ chức như vậy.
Sau khi đặt lịch làm việc, chúng tôi được ông Chánh văn phòng UBND hướng dẫn liên lạc với ông Phó chủ tịch UBND Tây Hồ - Nguyễn Lê Hoàng để lấy thông tin, tuy nhiên tới ngày 28/12/2015, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi của vị này.
Mặc dù phóng viên PetroTimes đã liên lạc với ông Hoàng hẹn gặp làm việc nhiều lần qua điện thoại, nhưng vị này liên tục báo bận đi họp không có mặt ở cơ quan. Và thông báo rằng đã nhận được thông tin từ phía PetroTimes, khi nào trả lời xong sẽ gọi điện thoại báo lại cho chúng tôi.
Nhưng có lẽ vị Phó chủ tịch UBND Tây Hồ vẫn bận họp một mạch gần 20 ngày qua, nên chưa có thời gian rảnh để phản hồi thông tin tới báo chí.
Nước Hồ Tây ở đoạn bến tàu thuyền, nhà nổi đã chuyển màu đen như sông Tô Lịch và bốc mùi hôi thối |
Với tình hình lượng rác thải xả trực tiếp xuống Hồ Tây ngày càng lớn do lượng lớn các quán cóc vỉa hè mọc lên ngày càng nhiều cộng với ý thức kém của nhiều hộ kinh doanh xung quanh. Bên cạnh đó, tại đường ven hồ dài 18km cũng không có đủ thùng rác công cộng nên việc Hồ Tây hứng chịu vô số rác thải là điều dễ hiểu.
Đã đến lúc, cần có những biện pháp mạnh tay, triệt để hơn nữa của các cấp có thẩm quyền trong việc ngăn chặn những hành vi sai phạm xung quanh việc gây ô nhiễm đối với Hồ Tây. Tuy nhiên, nhìn vào cách làm việc của đơn vị quản lý trực tiếp Hồ Tây là UBND Tây Hồ và Ban quản lý Hồ Tây thì không biết rằng "lá phổi xanh của Thủ đô" sẽ còn phải chịu bao nhiêu "bệnh tật"?
Đừng để tới khi Hồ Tây không còn sống mới bắt tay vào cải tạo, xử lý.
Theo Petrotimes