Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH Lạng Sơn tán thành với hồ sơ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và có thể nói đây là một dự thảo luật rất khó, có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và các tầng lớp nhân dân.

Đại biểu Lưu Bá Mạc đánh giá, Dự thảo luật đã bao gồm nhiều chính sách mới và các chính sách mới này cũng đã được cụ thể hóa theo hướng quan tâm và chăm lo hơn đến đời sống Nhân dân và Nhân dân cũng chính là người được thụ hưởng. Một trong số đó là một chính sách về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được cụ thể hóa tại Điều 16 dự thảo luật và so sánh Điều 27 Luật Đất đai năm 2013. “Nội dung này cũng có thể coi như một sự đổi mới, một sự đột phá mà người thụ hưởng chính sách nhân văn này chính là những người đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.”

vungcao.png
Ảnh minh hoạ

Có cùng quan tâm tới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá, Dự thảo Luật hiện nay đã bổ sung nhiều chính sách mới về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm đã quy định rõ hơn 4 nội dung: đối tượng được hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ; chính sách để hỗ trợ và trách nhiệm thực hiện từ Chính phủ đến HĐND và UBND các cấp. 

Tuy nhiên, về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Điều 16 thì cá nhân là người dân tộc thiểu số, tuy thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tức ngoài phạm vi 3.434 xã đã được phân định thuộc vùng này sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ đối với đồng bào theo quy định tại Điều 16. Trong khi đó, Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về đất đai không đặt vấn đề về phân biệt địa bàn đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, đề nghị tiếp tục xem xét quy định chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng và có ưu tiên cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo.

Cũng liên quan đến nội dung về Điều 16, theo Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH Hà Giang, từ thực tiễn hiện nay cho thấy, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới còn rất nhiều hộ cá nhân là người dân tộc thiểu số đang sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền nộp để thực hiện việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, các địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Về phía người dân, khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được sử dụng quyền của mình như thế chấp hay góp vốn. Thực tiễn trên đã có không ít trường hợp người dân do thiếu hiểu biết, kinh tế khó khăn hoặc khi xảy ra tai nạn, rủi ro đã phải cầm cố, nhượng bán, bị mất đất dẫn đến tình trạng thiếu đất. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đói nghèo và nhà nước lại phải giải quyết.

Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung vào khoản 8 Điều 16 dự thảo luật chính sách của nhà nước hỗ trợ kinh phí đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, có chính sách giảm tiền sử dụng đất phù hợp đối với các trường hợp tại điểm a khoản 2 Điều 16 dự thảo luật để người dân có điều kiện an cư, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Hiền Linh