58.123 hộ thiếu đất ở, 303.728 hộ thiếu đất sản xuất

Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với dân số 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Hầu hết đồng bào các DTTS có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đây là sinh kế chính và quan trọng nhất (khoảng trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông). Vì thế, đất đai (đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng…) là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào DTTS.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2016 đã hỗ trợ đất ở cho hơn 93.600 hộ, đất sản xuất cho trên 107.800 hộ gia đình người DTTS. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân ở địa bàn có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đã giúp người dân phát triển sản xuất tại chỗ, bảo đảm thu nhập và ổn định cuộc sống. Theo đó, các địa phương đã di dân, bố trí dân cư vùng thiên tai khoảng 9.000 hộ; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn 2.600 hộ; bố trí, sắp xếp dân cư biên giới 1.500 hộ; bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, quy hoạch dân ra khỏi rừng 2.500 hộ.

Kết quả giải quyết đất ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất và hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS nghèo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhiều hộ đồng bào nghèo, du canh, du cư, di cư tự do, sinh sống trong vùng thiên tai, nguy hiểm,... từng bước có cuộc sống ổn định và nâng cao đời sống, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết.

Trong đó, việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS đang và sẽ đối diện với những thách thức, như việc gia tăng dân số ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi tạo nên áp lực đối với đất đai trong canh tác truyền thống; sự phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, nông nghiệp hàng hóa, kéo theo sự bùng nổ của các dự án khai khoáng, năng lượng, phát triển giao thông, đô thị, tập trung đất đai trồng cây nguyên liệu, cây nông nghiệp hàng hóa,... cũng tạo nên sức ép vào quỹ đất.

vungcao
Ảnh minh hoạ

Tình trạng thiếu đất sản xuất, rừng đang bị lấn chiếm, tranh chấp diễn ra ở nhiều địa phương; đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước. Tại thời điểm năm 2019, vẫn còn 12.976 hộ DTTS di cư tự phát chưa được sắp xếp ổn định, 58.123 hộ thiếu đất ở, 465.266 hộ cần hỗ trợ nhà; 303.728 hộ thiếu đất sản xuất.

Gỡ vướng về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS

Để giúp đồng bào ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, giảm bất ổn trong xã hội, Bộ Trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng đất, trong đó có việc sử dụng đất ở, đất sản xuất của của đồng bào DTTS. Điều này cũng là để thực hiện mục tiêu được Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đặt ra: hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

Đối với Luật Đất đai (sửa đổi), ở khía cạnh phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi cần có những quy định đặc thù, phù hợp với văn hóa, sinh kế của đồng bào DTTS. Một thực tế là, hiện nay làn sóng chuyển nhượng đất, trong đó có đất có nguồn gốc từ chính sách hỗ đất ở, đất sản xuất đang rất đáng báo động, cần phải được điều chỉnh bằng những quy định của luật.

Việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, mà còn có ý nghĩa đối với việc thi hành phù hợp hơn và hiệu quả hơn chính sách, pháp luật đất đai hướng tới phát triển bền vững. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Đất đai cần bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ với các luật có liên quan. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 chưa thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, dẫn đến công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ rừng gặp nhiều vướng mắc, một số quy định chưa tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS có sinh kế phù hợp, thu nhập ổn định và gắn bó với công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số luật có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS theo hướng bổ sung các quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về điều kiện, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi; bổ sung các quy định, cơ chế ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư đối với các cá nhân và cộng đồng dân tộc thiểu số theo hướng đền bù xứng đáng; có trách nhiệm đào tạo nghề, chuyển nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập sau tái định cư,... cho người dân có đất ở và đất sản xuất bị thu hồi.

Thứ hai, thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất phục vụ việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Theo đó, các cơ quan cần rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo quy định, trong đó quan tâm việc bố trí ổn định các khu dân cư, khu sản xuất cho đồng bào, bảo đảm phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Trên thực tế, lâu nay nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; đặc biệt là quỹ đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Thứ ba, cần quan tâm đúng mức công tác quy hoạch sử dụng đất gắn với tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS. Một thực tế là, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, người dân thường canh tác, hưởng dụng từ đất, rừng theo truyền thống và thiếu các hồ sơ pháp lý về hiện trạng sử dụng/khai thác đất đai của mình. Tuy nhiên, quá trình rà soát, quy hoạch đất đai của Nhà nước chưa phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất/rừng của cộng đồng DTTS. Ở nhiều nơi, người dân đã trồng cây từ hàng chục năm và dựa vào đó làm nguồn sinh kế qua nhiều thế hệ. Do đó, khi quy hoạch sử dụng đất, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đúng mức đến việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS.

Thứ tư, ưu tiên nguồn lực, bố trí đủ kinh phí cho các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Tổ chức hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất phải gắn với mục tiêu ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường sinh thái, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đoàn kết các dân tộc.

Các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường các biện pháp và trách nhiệm quản lý, thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực đất đai, nhất là thực hiện quy hoạch dân cư, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, quy hoạch các loại rừng. Chủ động nắm chắc tình hình di biến động dân cư, dân số trên địa bàn. Khẩn trương hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS.

Giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, giải quyết những nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS nói riêng và vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung, như tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do...

Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã yêu cầu tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS, việc tháo gỡ các vướng mắc về chính sách đất đai hiện nay cần sớm được triển khai một cách đồng bộ.

Hải Vân