Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng xây dựng văn bản, chính sách quản lý ngành CNTT để tránh tình trạng văn bản khó đi vào cuộc sống, lúng túng khi triển khai.
Yêu cầu này được Bộ trưởng nêu ra với Vụ CNTT, đơn vị hoạt động liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước về CNTT của Bộ TT&TT, khi ông làm việc cùng Vụ này sáng nay, 26/5.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại cuộc họp. |
"Không thể phủ nhận rằng một số chính sách khi đi vào cuộc sống đã lộ rõ tính khả thi chưa cao, chưa sát với thực tiễn nên triển khai rất lúng túng. Đặc biệt là các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp CNTT chưa được triển khai quyết liệt nên chưa đạt hiệu quả cao", Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra. Để khắc phục tình trạng này, ông yêu cầu Vụ CNTT tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp hơn với thực tiễn, giảm tiền kiểm, tập trung vào hậu kiểm, giảm bớt thủ tục hành chính, giấy phép con, rào cản tham gia thị trường cho doanh nghiệp.... Đây cũng là một chủ trương lớn của Chính phủ, với mốc thời gian là ngày 1/7 tới đây, những các loại giấy phép con không cần thiết sẽ bị gỡ bỏ.
Tiếp thu chỉ đạo này, Vụ trưởng Vụ CNTT Đào Đình Khả khẳng định đây sẽ là trọng tâm công tác tới đây của đơn vị, như tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý về CNTT, nhất là trong các chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi tường đầu tư, bám sát thực tế; Đồng thời, Vụ sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp cận các công nghệ và mô hình quản lý CNTT tiên tiến, thúc đẩy các sản phẩm và công nghệ có hàm lượng chất xám cao nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ CNTT.
Tham mưu hiệu quả cho QLNN về CNTT
Trước đó, báo cáo những nét chính về hoạt động của đơn vị với Bộ trưởng, ông Khả cho biết ngoài lĩnh vực chuyên trách là quản lý và phát triển công nghiệp CNTT (bao gồm công nghiệp phần mềm, phần cứng, nội dung số, dịch vụ CNTT), Vụ còn tham mưu các chính sách CNTT chung (như Đề án nước mạnh, Nghị quyết 36 của BCT, ), phát triển nhân lực CNTT, các hiệp định quốc tế về CNTT, phối hợp với các hiệp hội CNTT, phát triển công nghịêp điện tử, khuyến khích dùng sản phẩm CNTT nội địa... cho lãnh đạo Bộ.
Trong thời gian qua, Vụ đã tham mưu xây dựng nhiều văn bản quan trọng như Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng CNTT và Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định của Thủ tướng quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng cấm nhập khẩu; hay các quyết định của Thủ tướng về thí điểm thành lập Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung, Khu CNTT tập trung Công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội...
Tới đây, Vụ CNTT sẽ sớm hoàn thiện và ban hành một số văn bản lớn khác như Thông tư ban hành Danh mục sản phẩm CNTT trọng điểm, Thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ CNTT trên mạng viễn thông, di động, Internet; Hướng dẫn triển khai Quyết định 80 của Thủ tướng về thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, CNTT là 1 trong 5 lĩnh vực lớn mà Bộ TT&TT đang quản lý, với phạm vi, đối tượng quản lý rộng, có tác động đến toàn bộ các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong xã hội.
Ông đánh giá cao vai trò tham mưu của Vụ cho Bộ trong việc hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT trong thời gian qua, cũng như ghi nhận đơn vị này đã xây dựng được nhiều văn bản quan trọng, kịp thời, các chương trình kế hoạch phát triển dài hạn... qua đó góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc phát triển công nghiệp phần cứng điện tử, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số, dịch vụ CNTT, khu CNTT tập trung trên toàn quốc.
Đặc biệt, Vụ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tích cực tham mưu xây dựng các văn bản quan trọng về phát triển CNTT của Quốc gia như Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT, Nghị Quyết số 36 của Bộ Chính trị; Tổ chức tốt việc xây dựng và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số, qua đó góp phần đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi.
"Việc nhiều doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam và tạo thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực CNTT trên thị trường quốc tế", Bộ trưởng đánh giá.
Cần khả thi, thực tế
Ông cũng ghi nhận sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của Vụ CNTT cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai thành lập, công nhận ưu đãi nhiều khu CNTT tập trung trong thời gian qua, trong đó có chuỗi công viên phần mềm Quang Trung hoạt động khá hiệu quả, thu hút được nhiều tập đoàn CNTT hàng đầu trên thế giới tham gia đầu tư sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ; các chính sách ưu đãi do Vụ đề xuất, xây dựng cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh, khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT...
Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng đồng tình rằng, Vụ CNTT cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất xây dựng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án thuộc lĩnh vực công nghiệp CNTT, đặc biệt lưu ý tính khả thi, hiệu quả của văn bản, chương trình, dự án, đề án...
"Vụ CNTT, cũng như các đơn vị của Bộ cần quyết liệt triển khai các chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN CNTT; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan (nhất là Văn phòng chính phủ, Bộ KH&CN) để sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách lớn, quan trọng... trình các cấp có thẩm quyền ban hành.
Ông cũng nêu rõ những dự án, đề án, chương trình quan trọng mà Vụ cần tập trung điều phối, đôn đốc triển khai như Đề án đưa VN sớm trở thành nước mạnh về CNTT - truyền thông; Chương trình dự án phát triển công nghiệp CNTT, Chương trình mục tiêu về CNTT...
Đặc biệt, Vụ cần tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của các Khu CNTT tập trung; xây dựng các tiêu chí đánh giá sát thực các Khu CNTT trọng điểm như ưu tiên địa phương nào làm trước, tính hiệu quả ra sao... để đưa ra những khuyến nghị kịp thời, nhân rộng điển hình phù hợp với đặc thù của từng địa phương, tránh việc thành lập các Khu CNTT manh mún, chạy theo phong trào, tỉnh này làm thì tỉnh khác cũng xin làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Đảm bảo nhu cầu nhân lực
Khẳng định nhân lực là một vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng, Bộ trưởng yêu cầu Vụ CNTT phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành có liên quan như Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động thương binh và xã hội... để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và Chính phủ các chương trình, kế hoạch dài hạn về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp CNTT; rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các tiêu chí về chuẩn kỹ năng CNTT bảo đảm sát thực với nhu cầu của các cơ quan ở Trung ương, địa phương và nhu cầu của xã hội.
"CNTT là nền tảng của sự phát triển kinh tế. Xã hội cần gì thì ta phải tháo gỡ ngay", ông nêu rõ. Nguy cơ thiếu nhân lực CNTT đã hiện hữu, bởi theo phân tích của Bộ trưởng, hiện tại, Việt Nam chỉ có hơn 500.000 lao động trong lĩnh vực CNTT. Muốn đưa VN trở thành nước mạnh về CNTT trong khu vực, chúng ta cần ít nhất 1 triệu lao động, tức là gấp đôi con số đó.
Liên quan đến các chỉ tiêu, chỉ số đánh giá tình hình phát triển, ứng dụng CNTT ở các địa phương, Bộ trưởng cho rằng Vụ cần tham khảo kinh nghiệm các nước có trình độ tiên tiến, nhưng có xem xét tới đặc thù của Việt Nam để hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, đảm bảo "hợp lý, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế". Những chỉ tiêu nào không còn phù hợp cần phải được loại bỏ, trong khi các chỉ tiêu mới, có ý nghĩa hơn nên được bổ sung.
Ông cũng đề nghị Vụ CNTT chủ động đề xuất phương án, cách thức tăng cường hiệu quả công tác thu thập thông tin để phục vụ công tác quản lý nhà nước về CNTT, đặc biệt là quy định về chế độ báo cáo đối với các doanh nghiệp: Phải cụ thể, chính xác nhưng lại không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trọng Cầm