Nhiều công ty kỳ vọng chính sách visa có sự điều chỉnh sẽ thúc đẩy du lịch phát triển. Tuy nhiên, cũng cần phải biết 'chiều' khách khi họ đến Việt Nam.
Chuyến bay charter (bay thuê nguyên chuyến) từ đảo Jeju (Hàn Quốc) đến Phú Quốc (Kiên Giang) có lịch hạ cánh vào 10h sáng và dời đi vào 16h. Lịch trình bay này sẽ khiến cho nhiều cơ sở lưu trú cân nhắc khi đón khách, bởi lệch khung giờ vận hành buồng phòng.
Tuy nhiên, khi nắm được thông tin đường bay charter trên, New World Phú Quốc Resort đã chấp nhận cung cấp chính sách riêng cho du khách, để hút họ tới khu nghỉ dưỡng. Cụ thể, đoàn khách trên chuyến bay charter từ Jeju sẽ được nhận phòng sớm từ 10h sáng (giờ check-in thường là 15h) và trả phòng trễ lúc 16h (giờ check-out thường là 12h), so với khung giờ chuẩn.
Đại diện khu resort này cho biết, việc điều chỉnh chính sách visa từ ngày 15/8 (thời hạn thị thực điện tử e-visa sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách ở lại lâu hơn khi đến Việt Nam, hỗ trợ ngành du lịch phục hồi.
Bên cạnh đó, những chính sách phòng linh hoạt cũng đang được đơn vị xây dựng để phù hợp với thị trường từng nước có đường bay được mở như Trung Quốc, Ấn Độ. Khu nghỉ dưỡng này kỳ vọng, lượng khách quốc tế cả năm 2023 sẽ đạt tỷ trọng lên tới 60% trong tổng số khách.
“Chúng tôi ‘chiều khách’ tối đa trong khả năng phục vụ của mình”, bà nói.
Thống kê từ Agoda, số lượt tìm kiếm về chính sách thị thực mới tại Việt Nam đã tăng 33% trong vòng hai tuần kể từ khi chính sách được thông qua. Cụ thể, lượng tìm kiếm chỗ ở tăng cao nhất đến từ du khách Pháp, tăng 72%. Các quốc gia khác như Hà Lan, New Zealand, Đức, Mỹ cũng ghi nhận mức độ quan tâm đến Việt Nam tăng, dao động từ 38-45%.
Còn theo HSBC, tốc độ du khách Trung Quốc quay lại Việt Nam đang là cao nhất, vượt xa Thái Lan, vốn là thị trường ASEAN truyền thống đối với du lịch nước ngoài của Trung Quốc.
Điều này có lẽ nhờ vào việc phục hồi ổn định các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện ở mức 53% so với năm 2019, chỉ sau Singapore (75%) và Malaysia (57%). Ngoài ra, chính sách nới lỏng thị thực được triển khai từ giữa tháng 8 sẽ là cú hích cho du lịch Việt Nam.
Cũng có góc nhìn tích cực về chính sách visa mới, ông Walt Power, CEO The Grand Ho Tram Strip đánh giá, khi thời hạn e-visa được nới lên 90 ngày, du khách có nhiều động lực hơn để tới Việt Nam trải nghiệm du lịch.
Đơn cử, Hồ Tràm (Bà Rịa-Vũng Tàu) đang là quần thể nghỉ dưỡng có sân golf, casino, cũng như hàng loạt dịch vụ giải trí 'chiều" khách du lịch, có thể cạnh tranh với các địa danh nổi tiếng thế giới như Bali (Indonesia) hay Bangkok (Thái Lan). Từ đó, tăng thời gian lưu trú của khách. Dự báo, thị trường khách du lịch Ấn Độ tăng mạnh trong thời gian tới và sẽ được đơn vị rất chú trọng.
Ông Christophe Buchart, Giám đốc thương mại Tập đoàn Fusion Hotel Group thông tin, ngoài thị trường khách Hàn Quốc đang phục hồi mạnh mẽ vượt năm 2019, thị trường khách Ấn Độ rất tiềm năng.
Chính sách visa mới chắc chắn có tác động tích cực tới du khách quốc tế và ngành "công nghiệp không khói" tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không được quên các yếu tố quan trọng khác như kinh tế vĩ mô thế giới hay các cuộc xung đột quốc tế hiện nay, ảnh hưởng đến các chuyến du lịch thế giới. Dẫu vậy, năm 2024 vẫn sẽ rất lạc quan cho du lịch Việt Nam, theo vị Giám đốc thương mại.
Tại sự kiện kết nối doanh nghiệp du lịch Việt Nam và các đơn vị lữ hành Ấn Độ mới diễn ra tại TP.HCM, đại diện một công ty lữ hành tại Ấn Độ cho biết, du lịch kết hợp đám cưới đang được yêu thích tại quốc gia tỷ dân này.
Người dân Ấn Độ muốn đến các nước khác để tổ chức đám cưới và họ sẵn sàng chi trả rất nhiều tiền cho đám cưới. Bởi, đám cưới là sự kiện quan trọng trong văn hoá Ấn Độ.
Vì vậy, khi đám cưới ở xa, người thân, bạn bè của cô dâu, chú rể sẽ đi cùng họ đến địa điểm tổ chức. Có những đoàn khách hàng trăm người cùng nhau đi dự một đám cưới.
“Việt Nam có thể là một trong những lựa chọn cho du lịch đám cưới Ấn Độ. Việt Nam sở hữu nhiều địa điểm đẹp và ưu thế về giá cả so với nhiều quốc gia khác”, đại diện công ty lữ hành Ấn Độ nhận định.