Chính thức khai trương Hệ thống Chia sẻ và Giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.

Lần đầu giám sát tất cả các hệ thống CNTT phục vụ Chính phủ điện tử tại Việt Nam

Hệ thống Chia sẻ và Giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử khai trương trong khuôn khổ sự kiện Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019 được tổ chức ngày 29/11. Hệ thống này được Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia NCSC (thuộc Cục An toàn thông tin) với vai trò là đầu mối kỹ thuật quốc gia trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng và giám sát xu hướng thông tin trên toàn bộ không gian mạng Việt Nam, phối hợp cùng các thành viên trong Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng gồm Viettel, VNPT, CMC, FPT, BKAV xây dựng.

Khi đi vào hoạt động, hệ thống này sẽ giảm sát, phân tích thông tin từ đó chia sẻ và đưa ra cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử.

Đến nay có 31 Bộ, ngành, địa phương đã kết nối kỹ thuật thành công với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Sau thời gian thử nghiệm 6 tháng, khi chính thức được đi vào hoạt động, “Hệ thống chia sẻ và giám sát ATTT phục vụ CPĐT” sẽ tiếp tục triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Hiện nay, Bộ TT&TT cũng tập trung thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và hệ sinh thái sản phẩm ATTT mạng Việt Nam. Các giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp sẽ được kết nối và chia sẻ với “Hệ thống Chia sẻ và Giám sát ATTT phục vụ Chính phủ điện tử tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (SoC quốc gia) thuộc Cục ATTT. Đây sẽ là nền tảng phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Không gian mạng là tương lai thịnh vượng của chúng ta. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn để công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đến sự thay đổi tư duy và hành động về an toàn, an ninh mạng. Bộ trưởng cho rằng, thay vì tự đầu tư đảm bảo an toàn, an ninh mạng như trước đây, chúng ta phải hiểu rằng, những dịch vụ tốt nhất được cung cấp bởi những doanh nghiệp chuyên nghiệp nhất. Các cơ quan, tổ chức một mặt kiện toàn lực lượng tại chỗ, mặt khác thuê dịch vụ giám sát, bảo vệ của các doanh nghiệp đã được Bộ TT&TT cấp phép. Định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá. Bộ TT&TT giao Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin thực hiện giám sát quốc gia trên không gian mạng để phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng.

"Hôm nay, Bộ TT&TT sẽ chính thức khai trương “Hệ thống Chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”. An toàn, an ninh mạng luôn là điều kiện tiên quyết để phát triển chính phủ điện tử", Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết lễ khai trương Trung tâm Giám sát ATTT là sự kiện rất có ý nghĩa. Phó Thủ tướng cũng gửi lời cám ơn tới sự phối hợp của Bộ TT&TT, hiệp hội ATTT của các cơ quan, tổ chức đã luôn nỗ lực trong công tác phát triển CNTT, đảm bảo an toàn thông tin. Các nỗ lực này góp phần không thể thiếu trong sự phát triển CNTT, từ đó góp phần vào phát triển của đất nước trong thời gian qua.  

Chính phủ đã có quan điểm định hướng xuyên suốt về CNTT trong thời gian qua và Việt Nam cũng như nhiều quốc gia không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy CNTT phát triển. Trước hết là việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của đời sống, nhất là trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Để tận dụng cuộc cách mạng này, chúng ra có nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất là việc đẩy mạnh phát triển CNTT và phát triển các ngành nghề ứng dụng CNTT. "Chúng ta không thể phát triển CNTT nếu không đảm bảo an ninh an toàn thông tin để bảo vệ quyền lợi của người dùng CNTT. Không thể chỉ vì lo ngại về an ninh thông tin mà không dấn bước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng Việt Nam

Cùng với việc khai trương “Hệ thống Chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”, người đứng đầu ngành TT&TT cũng bày tỏ kì vọng sẽ xây dựng được một hệ sinh thái các sản phẩm ATTT Việt.

 Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng bằng cách xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước và các cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng, ưu tiên sử dụng các sản phẩm “Make in Vietnam”.

“Tới đây, Bộ TT&TT sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp tiên phong nhằm phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hệ sinh thái là một mô hình tổng thể, toàn diện và đầy đủ các giải pháp. Doanh nghiệp có thế mạnh về giải pháp nào sẽ được giao để tập trung phát triển sâu, chuyên nghiệp về giải pháp đó, được ưu tiên và khuyến nghị sử dụng. Cùng với đó, một Liên minh cũng sẽ được thành lập nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm có sự liên thông, kết nối. Liên minh doanh nghiệp này cũng cam kết sử dụng sản phẩm của nhau để cung cấp một giải pháp tổng thể cho khách hàng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng Việt Nam có lợi thế lớn khi có xấp xỉ 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực ICT. Nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng vào loại tốt trên thế giới, với những chuyên gia đạt đẳng cấp quốc tế. Cùng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, với sự ủng hộ của Nhà nước và liên kết chặt chẽ của Liên minh. “Việt Nam hoàn toàn có thể sinh ra những doanh nghiệp lớn mạnh để trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.