LTS: Năm 2019 vừa tròn 65 năm ngày pháo binh Việt Nam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954) và 100 năm ngày sinh Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, nguyên Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy kéo pháo chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.

VietNamNet giới thiệu tới bạn đọc câu chuyện về Chính uỷ Phạm Ngọc Mậu. Bài viết có sử dụng tư liệu từ hồi ký của Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ, phụ trách công tác bảo vệ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hồi ký Kéo pháo vào, kéo pháo ra của Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu cùng một số tư liệu do gia đình cung cấp.

Qua bảy ngày đêm! Giờ phút chiến đấu đã sắp tới. Hai đại đội lựu pháo của Đại đoàn 351 đã vào hầm. Đài quan sát của các đơn vị đã ngự trị trên các đỉnh cao ở phía bắc Điện Biên Phủ. Phần tử đầu tiên của những "họng pháo" 105 mm đã ngắm sẵn vào sở chỉ huy De Castries và sân bay Mường Thanh.

Nhưng không hiểu sao trong lòng Chính ủy Pháo binh vẫn có điều gì đó băn khoăn, suy nghĩ chưa thật sự yên tâm.

{keywords}
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ tác chiến cho các đại đoàn trên sa bàn Điện Biên Phủ (trong ảnh, ông Phạm Ngọc Mậu - Chính uỷ Đại đoàn Công pháo là người thứ ba từ trái sang, hàng đứng, có dấu x ở chân). Ảnh tư liệu

17 giờ. Trong một hầm đạn của dân công ở phía bắc Điện Biên Phủ, Đảng uỷ Đại đoàn Pháo binh đã bàn xong công tác lãnh đạo trận chiến đấu tới và phân công về các vị trí chỉ huy; truyền quyết tâm chiến đấu xuống các đơn vị.

Bỗng chuông điện thoại réo lên đổ hồi. Ông Phạm Ngọc Mậu vội cầm lấy máy. Bên kia đầu dây có tiếng nói quen thuộc của Đại tướng Tổng tư lệnh:

- Có phải đồng chí Mậu không?

- Báo cáo anh, tôi, Mậu đây!

- Đồng chí lấy giấy ghi mệnh lệnh!

Vội giở sổ tay, đồng chí Chính ủy ghi chép từng lời:

Để tăng cường công tác chuẩn bị bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, mệnh lệnh: Ngay từ tối hôm nay, bắt đầu chuyển pháo ra khỏi trận địa lâm thời, đến những vị trí an toàn. Mệnh lệnh này cần được chấp hành triệt để, nhiệm vụ chuyển pháo coi như nhiệm vụ chiến đấu.

{keywords}
 Pháo ta nhả đạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Cuối cùng, vẫn cẩn thận như thường lệ, Đại tướng còn hỏi:

- Rõ chưa?

Đồng chí Chính ủy đáp:

- Rõ!

Đồng chí Văn lại dặn:

- Rõ rồi thì chấp hành ngay nhé!

- Vâng !....

Mười năm sau, nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính ủy Phạm Ngọc Mậu mới nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình: "Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là được lời như cởi tấm lòng!".

Bản thân ông đã nhận thấy, pháo binh ta đặt trên một địa hình quá trống trải, nếu địch phản pháo thì không có cách gì chống đỡ được, thiệt hại sẽ vô cùng to lớn.

Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ".

Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ nói: "Tôi nghĩ nếu lần đó cứ 'đánh nhanh giải quyết nhanh' thì cuộc kháng chiến có thể phải lui lại mười năm!".

Đó là một bài học sâu sắc về dân chủ nội bộ, bài học sâu sắc của mỗi một người Chính ủy trong Quân đội.

Đơn vị đầu tiên nhận lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”

Ngày 22/12/1953, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" chính thức trở thành giải thưởng luân lưu của Bác.

Các đơn vị, các chi bộ trong toàn quân phát động thi đua với nhau quyết tâm khắc phục mọi hy sinh, khó khăn gian khổ, xác định quyết tâm chiến đấu thắng lợi để giành được cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch cắm lên đồn giặc.

{keywords}
Ông Phạm Ngọc Mậu (dấu x) tại tiệc mừng chiến thắng Điện Biên Phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Ảnh tư liệu

Ngày 13/3/1954, bộ đội ta mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ bằng việc tiến công san phẳng cứ điểm Him Lam. Ngay sau những loạt đạn pháo đầu tiên của Đại đoàn 351, viên quan ba Pirot chỉ huy trưởng pháo binh của Pháp ở Điện Biên Phủ đã tự sát. Him Lam thất thủ…

Ngày 17/3/1954, tại Mường Phăng, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức hội nghị sơ kết đợt 1, Bộ chỉ huy mặt trận quyết định trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng - giải thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch” cho Đại đoàn 351 (đơn vị công pháo) về thành tích kéo pháo, mở đường, chịu đựng gian khổ, chiến đấu dũng cảm, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong đợt 1 chiến dịch.

Trong hội nghị cán bộ tại mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu: "Đoàn công pháo vinh dự trước nhất nhận lá cờ của Hồ Chủ tịch. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong toàn đoàn phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với vinh dự đó".

Chính ủy Phạm Ngọc Mậu, thay mặt toàn thể cán bộ chiến sĩ của Đại đoàn đón nhận cờ của Bác, sau đó ông đã thay mặt Đại đoàn 351 trao lại lá cờ cho Đại đội lựu pháo 806, đơn vị đã bắn những phát đầu tiên vào Him Lam mở màn chiến dịch.

Mệnh lệnh từ trái tim

Chính ủy là một vị trí đặc biệt trong Quân đội ta, đó là vị trí nắm phần chính trị tư tưởng của người chiến sĩ. Điều gì đã khiến cho những cánh tay, đôi vai bằng xương, bằng thịt của bộ đội ta biến thành "chân đồng, vai sắt" để đưa cả những khẩu đại pháo vào trận địa.

Đó không phải là những mệnh lệnh khô cứng, vô cảm, bất chấp xương máu từ người chỉ huy, mà là những mệnh lệnh xuất phát từ sự đồng cảm, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, giữa người Chính ủy và người chiến sĩ.

Không có một mệnh lệnh, nghị quyết nào có thể bắt người chiến sĩ phải đặt tên người Chính ủy của mình cho đỉnh núi cheo leo kia, chỉ có một mệnh lệnh duy nhất, đó là “Mệnh lệnh từ trái tim”.

7 tướng Pháp và 1 Điện Biên

7 tướng Pháp và 1 Điện Biên

Từ thời điểm 23/9/1945 đến 7/5/1954 rồi ký kết hiệp định Genève kết thúc chiến tranh, quân đội Pháp đã cử sang chiến trường Đông Dương 7 vị tướng nhưng tất cả đều thất bại.

Trần Hải