Theo lãnh đạo FPT, doanh nghiệp đã nhận đơn hàng 25 triệu chip từ đối tác nước ngoài và sẽ hoàn thành từ nay đến 2025.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, cho biết sau khi thành lập FPT Semiconductor vào tháng 3/2022, công ty đã thiết kế và sản xuất được ba dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với quy mô 25 triệu chip.
"Đơn hàng này đã qua giai đoạn nghiên cứu và phát triển, bắt đầu chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng loạt từ tháng trước, sẽ hoàn thành và chuyển cho đối tác trong năm 2024, 2025", ông Quang cho biết. Ngoài ra, công ty cũng vừa nhận được đơn hàng hai triệu chip cho đối tác Nhật Bản, dự kiến xuất khẩu vào tháng 7.
Năm 2023, công ty sẽ cho ra mắt thêm 7 dòng chip mới. Năm tiếp theo, công ty sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT Platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, đeo tay, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.
Ông Quang cho biết công ty đã trải qua ba giai đoạn, gồm phát triển nguồn nhân lực bằng cách làm dự án với đối tác nước ngoài để có kinh nghiệm thực tế trên các công nghệ chip tiên tiến, từ 7 nm đến 2 nm; thiết kế giải pháp về chip để bán cho khách hàng; bước ba là làm sản phẩm "made in Vietnam, made by FPT".
Tháng 8/2022, Viettel đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu. Trước đó, từ năm 2018, Viettel đã đầu tư 40 triệu USD để nghiên cứu, sản xuất chip. Viettel cũng đã thiết kế thành công chip trong thiết bị sử dụng cho trạm viễn thông 5G.
Theo ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel, việc thiết kế và sản xuất chip 5G mang thương hiệu Viettel là một bước đi quan trọng trong hành trình tiến tới làm chủ toàn bộ công nghệ liên quan đến 5G của Viettel. Ngoài ra, Viettel cũng đặt quyết tâm vào lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip “Make in Vietnam”.
Để thực hiện điều này, ngoài việc hợp tác với các công ty quốc tế để chuyển giao công nghệ, Viettel cũng kết hợp với những chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất chip trong và ngoài nước, cùng đội ngũ nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu tại các trường đại học.
Tại Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Theo Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD, đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA) ông Nguyễn Văn Khoa, cho biết doanh số chip bán dẫn toàn cầu vượt mốc 600 tỷ USD trong năm 2022. Năm 2024 dự báo nhu cầu chip trên toàn thế giới tăng đáng kể, một số mảng như mảng chip nhớ tăng 25%. Tổng doanh số ngành vi mạch bán dẫn ước đạt 1.000 tỷ vào năm 2023. Vì vậy, phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử
Hiện trên quy mô toàn cầu, ngành công nghiệp Điện tử thuộc 10 ngành công nghiệp lớn nhất. Theo Gartner, năm 2023 doanh thu Bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2024 - 2025, trên 15%/năm, nhất là chip GPU hiệu năng cao cho AI.
Theo nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ và Vi mạch TP.HCM, Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế chip, điều còn thiếu hiện nay là xây dựng nhà máy sản xuất chip. Nếu có đủ hai vấn đề này, Việt Nam có thể gia nhập nhóm sản xuất chip trên thế giới.
TS. Majo George (Đại học RMIT Việt Nam) nhấn mạnh: “Việc sản xuất chip sẽ thúc đẩy khát vọng của Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất nổi bật trong khu vực, các ngành công nghiệp sẽ có thể có nguồn chip sản xuất nội địa, qua đó giúp giảm chi phí logistics. Nếu sản xuất chip thành công, không chỉ tạo ra ngoại tệ từ việc xuất khẩu, mà còn là cơ hội để tự phát triển các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên”.