- Sau nhiều lần vật lộn với chi phí đầu vào để bình ổn giá, “cứu vớt” sức mua thì nay giới hạn này đã vượt khỏi sự chịu đựng của doanh nghiệp. Không thể tăng ngay nhưng nhiều nơi đã đánh tiếng sẽ nhích giá lên.
Đại diện một số siêu thị cho biết, trong vòng một tháng qua, họ đã nhận được nhiều thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp, chủ yếu là các ngành hàng thực phẩm như: dầu ăn, đường, bánh kẹo (5-10%), bơ sữa đông lạnh, nước giải khát (10-20%) và một số ngành hàng như: đồ dùng gia đình, hóa phẩm, may mặc (3-5%)...
Nước lên buộc thuyền lên
Trên thị trường bán lẻ, sức mua vẫn không thể cải thiện kể từ đầu năm trong khi chi phí đầu vào của các doanh nghiệp đã tăng lên nhanh chóng. Giá xăng, giá điện không ngừng leo thang nên việc đòi hỏi doanh nghiệp cầm cự với mức giá hiện tại là điều quá khó. Họ cho rằng mức giá được giữ ổn định thời gian qua là một nỗ lực lớn. Hiện việc tăng giá không chỉ đảm bảo lợi nhuận mà còn là mục tiêu sống còn của hầu hết doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh, cho hay, doanh nghiệp chỉ còn con đường là tăng giá sản phẩm để đảm bảo sản xuất. Suốt nhiều năm qua sức mua không cải thiện doanh nghiệp đã cố gắng kìm giá, điều chỉnh theo hướng tiết kiệm nhất; thậm chí, vẫn cố gắng đưa ra các chương trình khuyến mãi đẩy nhanh bán hàng.
“Hiện tại trong tình thế cực chẳng đã, công ty cũng tính đường tăng mức giá lên nhẹ khoảng 3% trong tháng tới”, ông Hiến nói.
Trong khi doanh nghiệp đang phải cố tiết giảm mọi chi phí để vượt qua khó khăn thì thì việc giá xăng tăng kép hai lần trong tháng 6 như “gáo nước lạnh” dội vào nỗ lực kìm giá trong suốt một năm qua. Mật độ tăng giá quá dầu quá dầy khiến này sẽ tạo sức ép lớn lên mặt bằng giá cả.
Bà Võ Thị Thu, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Phúc, nhận xét: “Cái khó nhất của các doanh nghiệp tiêu dùng và thực phẩm là vẫn phải “ngậm bồ hòn” giữ giá thời gian qua. Trong khi đó, các nhà cung cấp nguyên liệu cứ nhăm nhe giá xăng, giá điện lên là đẩy giá để bù vào chi phí vận chuyển. Trên thực tế việc cố gắng giữ giá là để bảo toàn thị phần cạnh tranh trên thị trường”.
“Tuy nhiên, sức mua ngày càng èo uột thì việc chênh lệch thị phần không còn là tối quan trọng nên chiến lược giá cuối năm đành phải thay đổi. Sắp tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh tăng giá lên 5%”, bà Thu chia sẻ.
Đại diện nhiều siêu thị cho hay đã nhận được nhiều yêu cầu xin tăng giá, song, siêu thị vẫn chưa đồng ý và đang niêm yết mức giá cũ. Mặc dù họ đã kiểm soát chặt chẽ các đề nghị tăng giá của nhà cung ứng nhưng tình hình chung sẽ khó ép doanh nghiệp kìm giá như trước đây.
Càng tăng càng ế
Nếu như trước đây, mỗi lần tăng giá, người tiêu dùng thường phải chịu thiệt thòi thì nay, ngay cả các đơn vị kinh doanh, tiểu thương cũng thấm thía “nỗi đau” tăng giá. Sức mua yếu do người dân thắt chặt chi tiêu đã gây ra hệ lụy lớn. Đợt tăng giá lần này làm cho phòng thủ trong tiêu dùng của người dân tăng lên và hàng đã ế nay có thể còn ế hơn. Và vốn chôn tại quầy cũng tăng theo.
Chị Thu, tiểu thương chợ Thị Nghè (TP.HCM), cho biết mới tăng giá vài ngày lượng gạo bán cho quán cơm đã giảm. Giá tăng ít, họ chuyển qua mua loại gạo giá rẻ, giờ họ còn giảm cả lượng mua. Cứ ế dài thế này cầm chắc đói.
Các tiểu thương chợ Gò Vấp cũng kêu ca, kể khi đã tăng giá mà khách trả thấp xuống thì vẫn phải bán chứ không cũng “chết”. Trước đây khách lẻ mua ít thì trông chờ vào bỏ sỉ cho các quán ăn, nhà hàng... , giờ kể cả những mỗi như vậy cũng hạn chế mua.
Nhiều quầy ở chợ và các tiệm tạp hóa, đại lý trong khu dân cư cũng nói rằng, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nước mắm, dầu gội, bánh kẹo, nước giải khát... tăng đều đặn ở mức 3-5%. Họ không hề hào hứng vì việc buôn bán ngày một khó.
Chị Lê Thủy, chủ siêu thị mini ở chung cư K26, quận Gò Vấp, than thở, sức mua thấp lượng hàng nhập về hạn chế tối đa. Tình hình ế ẩm như vậy thì nay các mặt hàng tăng giá thêm 1.000 đồng thôi cũng cảm thấy khó bán.
Nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, một số nhà phân phối khác tiết lộ, nếu buộc phải tăng giá một số mặt hàng thiết yếu thì dòng sản phẩm nào giá thấp hơn sẽ được siêu thị ưu tiên bày bán, đảm bảo giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương TP.HCM, cho biết, Sở đang nỗ lực cùng các DN trong chương trình bình ổn, các hệ thống bán lẻ về việc điều chỉnh giảm giá một số mặt hàng gạo, đường, trứng gia cầm, thịt gia súc để kích thích tiêu dùng, gia tăng sức mua. Tuy nhiên, cũng không thể cầm cự được lâu vì nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra mệt mỏi với chi phí đầu vào.
Nam Phong