Mô hình Chợ 4.0 tại tỉnh Thái Nguyên đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt.

Từ cuối tháng 4/2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên phối hợp UBND huyện Đại Từ và một số đơn vị triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 tại chợ Trung tâm Đại Từ. Sau một thời gian triển khai, chợ Đại Từ đã có hơn 300 tiểu thương tạo mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chiếm 80% tổng số tiểu thương; hơn 3.000 giao dịch phát sinh hàng tháng với số tiền hàng tỷ đồng.

Chợ trung tâm Đại Từ

Ngay sau đó, mô hình này được đánh giá rất cao, nhiều người dân tham gia hưởng ứng, tạo hiệu ứng tích cực để triển khai trong toàn tỉnh Thái Nguyên.

Với nền tảng mobile money do Viettel cung cấp, người dân, tiểu thương có thể mua, bán và thanh toán tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại một cách nhanh chóng, không phải dùng tiền mặt như trước đây.

Viettel Thái Nguyên đã hỗ trợ các tiểu thương lập các điểm nạp tiền, rút tiền, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ bà con sử dụng một cách thuận tiện nhất. Tất cả các tiểu thương có nhu cầu sẽ được Viettel cung cấp mã QR và kết nối với ngân hàng, tạo tài khoản để dễ dàng thực hiện các giao dịch khi đi chợ.

Đánh giá của Viettel Thái Nguyên cho thấy, ngay sau mấy tháng đầu triển khai tại Đại Từ, số lượng tiểu thương mở tài khoản và điểm thanh toán không dùng tiền mặt lên tới con số hàng trăm. Riêng tại chợ Hùng Sơn, có tới 70% tiểu thương thực hiện thanh toán số. Được biết, trên địa bàn huyện Đại Từ đã có hơn 20 chợ và điểm kinh doanh áp dụng mô hình “chợ 4.0”.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, mô hình “chợ 4.0” là một điểm sáng ở Thái Nguyên trong phát triển xã hội số. Mô hình này giúp người dân địa phương tiếp xúc với công nghệ số, thúc đẩy việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngay cả trong những giao dịch đơn giản hằng ngày.

Sau khi triển khai bước đầu thành công ở Đại Từ, Sở tiếp tục phối hợp với Viettel Thái Nguyên khảo sát, triển khai tại một số địa phương. Hiện đã triển khai mô hình này tại chợ La Hiên, xã La Hiên (Võ Nhai). Dự kiến hết năm 2022, tỉnh Thái Nguyên sẽ có trên 80 “chợ 4.0” ở nhiều địa phương khác nhau.

Trong xu thế phát triển hiện nay, mô hình “chợ 4.0” là yêu cầu tất yếu mà mỗi địa phương phải triển khai, nhất là trong bối cảnh cả nước tập trung hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Việc triển khai các ứng dụng, tiện ích trong chuyển đổi số đều nhằm phục vụ tốt nhất cho đời sống dân sinh, lấy người dân làm chủ thể, yếu tố quan trọng nhất. Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã rất quan tâm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số vì người dân. Cùng với “chợ 4.0”, tỉnh đang chỉ đạo một số địa phương triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực giáo dục, y tế…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số người dùng mạng internet và điện thoại thông minh tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, người dùng thích ứng rất nhanh với những thay đổi của công nghệ số. Đây là điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên triển khai hiệu quả các nền tảng số phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, trong đó có nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ở cả thành thị và nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đề án đặt ra từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm;…

Minh Yến