Hoạt động của các chợ tại TP.HCM đã dần trở lại bình thường từ thời điểm tháng 10/2021. Tuy nhiên, đối với chợ Bến Thành - một địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch - thì lượng người đến vẫn khá vắng. Cùng với đó, tiểu thương không mặn mà mở lại sạp bán hàng như trước.
Thống kê cho thấy, mới chỉ có khoảng 540/1.300 hộ kinh doanh hoạt động lại. Những hộ chưa kinh doanh đang ngóng chờ tình hình khách quốc tế bởi đặc thù Bến Thành là chợ “sống nhờ” du khách nước ngoài, khác với các chợ thông thường.
Dẫu vậy, theo nhiều tiểu thương, hiện, người đến chợ chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế có nhưng rất ít.
Tiểu thương Đặng Quốc Hoàn thông tin, người nước ngoài tới chợ chỉ bằng khoảng 2% so với thời điểm chưa dịch, con số này rất nhỏ. Đây chủ yếu là người đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam nên nhu cầu mua hàng cũng ít hơn so với khách du lịch.
Nhiều sạp kinh doanh tại chợ Bến Thành vẫn trong tình trạng đóng cửa |
Giá thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ Bến Thành có thể lên đến 100 triệu/tháng |
7 năm kinh doanh tại chợ Bến Thành, tiểu thương Phan Quốc Hùng chán nản, trước dịch đông bao nhiêu thì giờ ngồi từ sáng đến chiều cũng không có khách. Người bán nhiều hơn người mua.
Trước đây, anh Hùng có 3 sạp kinh doanh bánh, mứt, đặc sản Việt Nam tại chợ thì nay chỉ đủ tiền duy trì 1 sạp, đã trả lại mặt bằng 2 sạp.
“Tôi đang gồng gánh lỗ, nếu vẫn ế ẩm như thế này thì 4-5 tháng nữa sẽ trả nốt mặt bằng hiện tại. Làm không được bao nhiêu, chủ yếu lấy tiền túi ra bù lỗ, ai không gồng được thì chịu chết thôi”, anh nói.
Cũng theo anh Hùng, chi phí thuê sạp kinh doanh của anh hiện gần 100 triệu/tháng chưa tính lương nhân viên. Trong khi, sạp hàng gần đó, ở vị trí đẹp hơn có mức thuê 120 triệu đồng/tháng, chủ sạp không chịu nổi chi phí cao nên đã trả mặt bằng.
Tiểu thương Châu Xuân Lan có 14 năm bán hàng tại chợ, cho hay, lượng khách quá vắng nhưng giá thuê sạp có giảm hay không còn phụ thuộc chủ mặt bằng. Nếu không giảm thì tiểu thương cũng “cắn răng” chịu.
Dù diện tích sạp kinh doanh chỉ khoảng 5m2 nhưng giá thuê mặt cao bởi chợ Bến Thành chủ yếu bán hàng cho người nước ngoài, sống dựa vào khách Tây. Trước dịch, doanh thu bán quà lưu niệm của sạp chị Lan khoảng 150 triệu/tháng còn giờ chỉ đạt 7-8 triệu/tháng, giảm tới 20 lần.
Theo các tiểu thương, mức giá thuê các sạp cao thấp khác nhau tùy vị trí. Ví dụ, mặt bằng nằm phía sâu bên trong thì chỉ 20 triệu - 30 triệu - 40 triệu/tháng. Còn đối với các sạp nằm ở vị trí mặt tiền hoặc lối đón khách như cửa phía Tây chợ thì giá thuê dao động khoảng 100 triệu/tháng. Tương tự, cửa phía Nam cũng có giá thuê cao. Việc tiền thuê kiot kinh doanh lên tới cả trăm triệu mỗi tháng cũng là lý do khiến nhiều tiểu thương phải bỏ sạp do không đủ khả năng tài chính cầm cự.
Trao đổi với PV về chi phí thuê địa điểm kinh doanh hiện đang quá cao, Trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành - ông Ngô Văn Hà - cho hay, giá thuê mặt bằng cao là giao dịch diễn ra giữa các thương nhân với nhau chứ không phải Ban quản lý chợ cho thuê mức giá đó. Ví dụ, chủ sạp có mặt bằng nhưng không kinh doanh thì dùng mặt bằng đó cho thuê lại.
Trong khi, văn bản do UBND quận 1 ban hành từ năm 2015 quy định mức thuê kinh doanh tối đa chỉ có 180.000 đồng/m2, tương đương 1 kios diện tích 5m2 có giá thuê khoảng 900.000 đồng.
Dù Ban quản lý chợ không trực tiếp cho thuê nhưng việc để giá thuê sạp kinh doanh tại chợ Bến Thành “nhảy múa” từ 180.000 đồng/m2 lên tới cả trăm triệu đồng/tháng cũng cần có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, cần hỗ trợ tiểu thương trong hoạt động kinh doanh buôn bán, tránh tình trạng lợi ích kinh tế tập trung rơi vào tay các cá nhân đang sở hữu mặt bằng kinh doanh tại đây.
Quảng Định
Mọi thứ quay cuồng tăng giá, công nhân cuốc bộ đi làm từ tờ mờ sáng
Chị Hạnh tiếc tiền xăng nên bỏ ra 30 phút đi bộ đến công ty. Ngoài chợ, dầu ăn tăng giá, mỳ tôm tăng giá, trứng gia cầm cũng đã tăng giá.