Từ ngày 11/10, bà Vũ Thị Ánh, chủ công trình 7 tầng trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn ra hẻm Tu Sản đã cho thợ sơn quét sơn xanh toàn bộ công trình đang bị dư luận lên án.

Các thợ sơn này làm việc cật lực, bắt đầu sơn các ô so le ở phần hông bên hướng huyện Mèo Vạc. Trong khi chờ sơn khô, họ sơn các bức tường phía sau lưng tòa nhà nhìn ra dòng Nho Quế. 

{keywords}
Panorama biến hình sang màu xanh lét

Khi phóng viên tiếp cận hiện trường, các thợ sơn cho biết, mình được thuê làm. Đồng thời, chủ công trình không cho phép khách du lịch xuống phía dưới cùng của công trình - nơi thợ sơn đang pha màu chuẩn bị sơn.

Ngoài việc sơn phủ lên công trình đang chờ đợi quyết định số phận, bà Ánh vẫn cho người khuân đất, chỉnh sửa, trồng mới các chậu cây theo các bậc lên xuống men theo triền dốc.

Đây là động thái được cho rằng, chủ công trình đang muốn một Panorama “thân thiện”, hòa lẫn với màu xanh của không gian nơi nó đứng.  

{keywords}
Công trình trước...

 

{keywords}
và sau 

Trước khi sự việc được báo chí đưa tin, công trình Panorama 7 tầng được sơn phủ màu gạch cua ở tầng trên cùng; 6 tầng dưới sơn màu xám; hai khoảng nhô ra núi ở tầng dưới cùng được giữ màu trắng. Phần lưng và phía bên kia tòa nhà mang màu trắng.

Giữa không gian xanh ngắt của nước sông Nho Quế, màu xanh của núi non, màu đá xám của cao nguyên, màu sắc của công trình này càng thấy rõ sự đối lập, lạc lõng.

Chị Nguyễn Thị Phương, một khách du lịch từ Hà Nội có mặt tại Panorama chiều 11/10 chia sẻ: Tôi nghe báo chí nói nhiều về công trình này nên phải lên tận nơi để xem trước khi nó được tháo dỡ như thế nào.

Khi thấy nhóm thợ sơn làm việc, chị Phương nói: “Đã quá muộn. Nếu chủ công trình chủ định lựa chọn một phương thức xây dựng/thể hiện sự gần gũi, thân thiện với môi trường ngay từ đầu, biết đâu dư luận không dậy sóng”. 

{keywords}
Nhóm thợ sơn 4 người đang sơn phần tường phía sau công trình. Ảnh chụp lúc 12h trưa ngày 11/10

Sau khi cộng đồng mạng kêu gọi “tẩy chay” Panorama, không “tiếp tay” cho chủ công trình, dường như nhiều du khách người Việt khá e dè khi bước chân vào điểm dừng chân này.

Ngược lại, du khách nước ngoài vẫn nườm nượp dừng chân tại Panorama, nhìn ngắm hẻm Tu Sản và dòng Nho Quế ở vị trí vuông góc, chính diện nhất.

Vẫn chờ xử lý

Chánh Văn phòng huyện Mèo Vạc Trần Mạnh Hằng thông tin với VietNamNet, huyện đã có văn bản đình chỉ, yêu cầu chủ cơ sở hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu.

“Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh. Mọi việc bây giờ, huyện vẫn chờ sự chỉ đạo của cấp trên”, ông nói. 

{keywords}
 

Đề xuất của Sở Xây dựng Hà Giang là đập 6 cấp giật theo sườn đèo.

Cụ thể, theo báo cáo ngày 8/10, nhà hàng Panorama nằm ngoài bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử danh thắng Mã Pì Lèng. Đối chiếu với quy định quản lý của đồ án quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017, công trình này nằm trong vùng hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng. 

{keywords}
Một nhóm người khác trang trí, trồng cây trên các bậc lên xuống 

Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh giao UBND huyện Mèo Vạc cải tạo, chỉnh trang hai đơn nguyên giáp quốc lộ (phần xây bám mặt quốc lộ gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của du khách.

6 cấp giật theo địa hình sườn núi chạy xuống phía sông Nho Quế bị đề nghị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ trước 15/11.

Tuy nhiên, trong lúc chờ quyết định của UBND tỉnh, Panorama đang được “biến hình” sang một màu sắc khác.

Thực hư về 'Panorama thứ 2' trên đèo Ô Quý Hồ ở Lai Châu

Thực hư về 'Panorama thứ 2' trên đèo Ô Quý Hồ ở Lai Châu

 Lãnh đạo UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) khẳng định, việc xây dựng khu khách sạn, nhà hàng tại khu vực đèo Ô Quý Hồ đã được tỉnh cấp phép. 

Kiên Trung